Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC sau khi mở cửa sáng nay ngày 27/6 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 21,1 USD xuống 2.298,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục dần và lên trên 2.310 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,91 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 27/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.264 đồng/USD, tăng 6 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.257 – 25.477 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua gần như không đổi quanh 61.000 USD thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục xu hướng này cho đến cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,65 USD (+0,80%), lên 81,55 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,72 USD (+0,84%), lên 85,97 USD/thùng.
VN-Index giảm nhẹ
Sau phiên sáng khá ảm đạm, thị trường bước vào phiên chiều tiếp diễn trạng thái nhàm chán, khi nhà đầu tư phần lớn đã chọn đứng ngoài, giao dịch trầm lắng và buồn tẻ, chỉ số VN-Index nhích nhẹ lên vùng tham chiếu và giằng co, rung lắc trong biên độ hẹp cho đến khi đóng cửa.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 43,24 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 1.174,84 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 27/6: VN-Index giảm 2,15 điểm (-0,17%), xuống 1.259,09 điểm; HNX-Index tăng 0,39 điểm (+0,16%), lên 240,07 điểm; UpCoM-Index giảm 0,37 điểm (-0,38%), xuống 98,53 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong phiên thứ Tư (26/6), với các cổ phiếu công nghệ tìm cách kéo dài đợt hồi phục, trong khi các nhà đầu tư giao dịch thận trọng hơn khi dữ liệu lạm phát quan trọng sắp được công bố.
Cổ phiếu chip Nvidia tiếp đà hồi phục và nhích 0,25%, nhưng không thể giúp chỉ số bán dẫn Philadelphia SE tăng điểm và mất 0,3%.
Mặt khác, một số dữ liệu kinh tế sẽ được công bố trong tuần này, với trọng tâm là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5 vào thứ Sáu - thước đo lạm phát ưa thích của Fed.
Kết thúc phiên 26/6: Chỉ số Dow Jones tăng 15,64 điểm (+0,04%), lên 39.127,80 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,60 điểm (+0,16%), lên 5.477,90 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 87,50 điểm (+0,49%), lên 17.805,16 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi đồng yên trượt qua mốc quan trọng 160 yên/USD khiến các nhà giao dịch cảnh giác cao độ vào sự can thiệp của chính phủ.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,82% xuống 39.341,54 điểm. Chỉ số Topix r giảm 0,33% xuống 2793,70 điểm.
Đồng yên đã chạm mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 12/1986 tại ngưỡng trên 160 yên/USD và cảnh báo khả năng kích hoạt sự can thiệp tiền tệ chính thức của chính phủ.
Một chuỗi sự kiện diễn ra đã gây áp lực lên đồng yên trong những ngày gần đây. Neel Kashkari, Chủ tịch Fed Minneapolis tuần qua cho biết có thể mất từ một đến hai năm để lạm phát giảm xuống mức mục tiêu 2% của Fed.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi sản lượng công nghiệp của nước này tăng với tốc độ chậm hơn dự kiến trong tháng 5, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu hoạt động sản xuất sẽ được công bố vào cuối tuần.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,90% xuống 2.945,85 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,75% xuống 3.454,12 điểm.
Lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc đã tăng với tốc độ chậm hơn trong tháng Năm, nhấn mạnh những khó khăn mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt khi nhu cầu trong nước yếu làm giảm khả năng hồi phục.
Trong khi đó, các nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng dữ liệu hoạt động sản xuất của Trung Quốc có thể sẽ giảm tháng thứ hai vào tháng Sáu, một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy hôm thứ Năm.
Chứng khoán Hồng Kông lao dốc, sau khi dữ liệu cho thấy sản lượng công nghiệp của các công ty Trung Quốc sụt giảm và đẩy chỉ số chuẩn xuống mức thấp nhất trong hai tháng.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,06% xuống 17.716,47 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,37% xuống 6.324,05 điểm.
Trong khi đó, các biện pháp của Bắc Kinh nhằm củng cố thị trường bất động sản, bao gồm cắt giảm tỷ lệ trả tiền trước khi mua nhà và lãi suất thế chấp chưa thể mang lại động lực lớn trên thị trường.
Chứng khoán Hàn Quốc thu hẹp đà giảm về cuối phiên, khi nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đảo chiều tăng điểm.
Đóng cửa, chỉ số Kospi giảm 7,99 điểm, tương đương 0,29% xuống 2.784,06 điểm.
Các cổ phiếu lớn như Samsung Electronics tăng 0,82% và SK hynix giảm 0,21%. Hyundai Motor tăng 2,94%% và Kia tăng 0,54%.
Kết thúc phiên 27/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 325,53 (-0,82%), xuống 39.341,54 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 26,67 điểm (-0,90%), xuống 2.945,85 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 373,46 điểm (-2,06%), xuống 17.716,47 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 7,99 điểm (-0,29%), xuống 2.784,06 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Quan ngại sức cầu tín dụng
Tính đến ngày 16/5/2024, hàng loạt ngân hàng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng âm so với đầu năm.
- Kiến nghị sớm chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang vàng kỳ hạn
Trong bản kiến nghị quý II/2024, các chuyên gia nghiên cứu Trường Đại học kinh tế Quốc dân kiến nghị chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng trên một trung tâm giao dịch tập trung.
- Cổ phiếu vận tải biển thu hút dòng tiền
Giá cước vận tải biển tăng cao khiến nhiều nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào cổ phiếu ngành này, với kỳ vọng doanh nghiệp sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.
- Đồng yên chạm mức thấp nhất so với đồng đô la kể từ tháng 12/1986
Hôm thứ Tư (26/6), đồng yên đã chạm mức thấp nhất so với đồng đô la Mỹ kể từ tháng 12/1986 do áp lực bán đối với đồng tiền này vẫn tiếp tục, bất chấp các quan chức Nhật Bản đã nhiều lần cảnh báo về khả năng can thiệp trước tình trạng biến động quá mức.
Hà Trần (t/h)