Nửa đầu năm diễn biến “ấn tượng”
Đó là nhận định của anh Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên cao cấp Chiến lược đầu tư Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). “TTCK Việt Nam đã có diễn biến ấn tượng trong nửa đầu năm 2024. Chỉ trong vòng 6 tháng, VN-Index đã thiết lập mức tăng điểm lên tới 13.5%, vượt xa so với mức 12.2% trong cả năm 2023. Đi cùng với đó, thị trường cũng đã ghi nhận thời điểm mặt bằng giá trị giao dịch cao kỷ lục trong tháng 3/2024 với mức bình quân tuần đạt hơn 30 nghìn tỷ, chỉ kém giai đoạn trung tuần tháng 11/2021. Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân thể hiện nội lực mạnh mẽ, không chỉ là trợ lực chính cho toàn thị trường mà còn đối ứng hoàn toàn động thái bán ròng liên tục của khối ngoại kể từ giữa năm 2023”, anh Tiến phân tích.
Đại diện của KBSV nói thêm: “Đóng góp về mặt điểm số cho VN-Index không thể không nhắc tới diễn biến “tăng nóng” của một số nhóm ngành và cổ phiếu riêng lẻ. Trong đó, đáng chú ý nhất là lĩnh vực Ngân hàng với nhiều mã cổ phiếu bứt phá, thu hút lực cầu lớn trở lại và đặc biệt là tăng vượt mốc đỉnh lịch sử trước đó. Ngoài ra, chúng tôi thống kê được sự hồi phục lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2024 vào khoảng 25% so với cùng kỳ, nổi bật hơn hẳn so với các quý trước đó trong 2023. Con số trên có thể không phản ánh chính xác mức tăng trưởng đột biến khi so sánh với mức nền thấp trong cùng kỳ, song cũng nói lên trạng thái kinh doanh đầy khả quan trong đầu năm 2024”.
Chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt cũng cho rằng: “Thị trường chứng khoán (TTCK) nửa đầu năm 2024 đã trải qua sự biến động khá mạnh khi VN-Index có những nhịp tăng giảm nhanh và mạnh. Điều này theo tôi là hợp lý khi mà nền kinh tế Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của sự hồi phục, những yếu tố vĩ mô về tăng trưởng kinh tế, thanh khoản, lãi suất… mặc dù đã cải thiện nhiều so với 2022 và 2023 nhưng vẫn chưa hồi phục về như giai đoạn bình thường. Với việc các yếu tố vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất… còn biến động mạnh thì việc VN-Index điều chỉnh lên xuống là bình thường. Mặc dù có sự điều chỉnh vào tháng 4 (giảm 8% tính từ đỉnh) nhưng nhìn chung xu hướng chính vẫn là tăng giá”.
Cùng nhận định, TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia lạc quan: “Diễn biến nửa đầu năm nay về cơ bản đã "xanh" gần hết. Ta lưu ý ngân hàng chẳng hạn, cổ phiếu nhóm này hiện đã tăng khoảng gần 15%; chứng khoán tăng khoảng 14%. Riêng nhóm bất động sản hai năm qua là âm, năm 2022 còn âm đến 38% giá cố phiếu nhưng hiện nay đã dương trở lại. Hết 5 tháng, cổ phiếu nhóm này đã tăng 1,54%. Đây là tín hiệu khá tích cực với nhóm ngành bất động sản".
Chứng khoán VFS cũng nhận định: “Nhiều nhóm ngành cổ phiếu đã có những dấu ấn mạnh mẽ trong nửa đầu 2024 nhờ định giá hấp dẫn hoặc có câu chuyện riêng. Trong đó, nhóm ngành ngân hàng đã dẫn dắt sự tăng điểm, tăng 29% sau khi giảm mạnh vào cuối năm 2023. P/B (Price-to-Book ratio) của ngành này được định giá khá thấp và câu chuyện tăng trưởng tín dụng cùng với cải thiện chất lượng tài sản đã hỗ trợ đà tăng”.
Ông Nguyễn Sang Lộc, Giám đốc nghiệp vụ, Quản lý danh mục đầu tư Công ty Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam cũng cho rằng: “Trong 80 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam chúng tôi lựa chọn để thống kê thì mức tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này đến ở tất cả các ngành nghề chứ không chỉ tập trung ở một vài nhóm ngành, không chỉ ở những doanh nghiệp lớn mà bắt đầu lan tỏa sang các doanh nghiệp nhỏ. Với đà này, cộng với kỳ vọng những áp lực về tỷ giá sẽ "dịu bớt" từ cuối quý III, đầu quý IV để thấy rõ hơn được sự tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp. Do vậy, đây là giai đoạn rất thuận lợi cho chứng khoán”.
Xu hướng cải thiện tiếp tục trong nửa cuối năm
Theo các chuyên gia, TTCK Việt Nam đang tiếp tục chứng kiến thanh khoản tăng mạnh. Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân, tổ chức “đua" nhau mua, thể hiện sự kỳ vọng rất lớn vào tương lai của thị trường cũng như của nền kinh tế.
Đại diện quỹ PYN Elite Fund đến từ Phần Lan - Ông Petri Deryng đánh giá chỉ số chính của TTCK Việt Nam, VN-Index vẫn đang trong xu hướng đi lên từ mức đáy cuối năm 2022 đến nay.
Chuyên gia này bày tỏ kỳ vọng về kết quả kinh doanh phục hồi tốt và rõ ràng hơn của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024. Lãi suất được dự đoán sẽ vẫn giữ ở mặt bằng vừa phải. Càng về cuối năm, đồng USD có thể sẽ bắt đầu suy yếu, trong trường hợp đó đồng Việt Nam có thể mạnh lên và tác động tích cực đến tâm lý TTCK.
Đánh giá về triển vọng thị trường nửa cuối năm, anh Nghiêm Sỹ Tiến nêu quan điểm: “Trong ngắn hạn áp lực vẫn duy trì do yếu tố tỷ giá, lạm phát, lãi suất huy động tăng trở lại. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng áp lực này sẽ dần đc giải tỏa vào giai đoạn cuối năm khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thực hiện việc hạ lãi suất, áp lực lạm phát được giải tỏa nhờ mức nền so sánh cao cùng kỳ trong khi giá các loại hàng hóa dự báo ổn định trở lại. Ngoài ra, khả năng phục hồi của nền kinh tế đang đem đến những gam màu sáng hơn cho bối cảnh vĩ mô. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) và nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng trở lại sẽ phản ánh không chỉ sự cải thiện đến từ lĩnh vực sản xuất, mà còn kéo theo sự phục hồi thu nhập của người lao động, cũng như sức cầu tiêu thụ trong nội địa”.
“Bên cạnh các yếu tố vĩ mô, điều quan trọng bậc nhất là lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đang cho thấy những tín hiệu tích cực. Theo tính toán, top 80 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế là khoảng 15% so với cùng kỳ, đến từ tất cả các ngành nghề. Xu hướng cải thiện dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong các quý cuối năm 2024 khi áp lực tỷ giá sẽ lắng lại”, anh Tiến nói thêm.
Nhận định của KBSV cho rằng, các nhóm ngành được kỳ vọng sẽ có sự bật tăng mạnh mẽ trong phần còn lại của 2024 bao gồm: Đầu tư công, thường sẽ bắt đầu tăng tốc từ giữa đến cuối năm; Bất động sản Khu công nghiệp hưởng lợi từ dòng vốn FDI; nhóm Xuất nhập khẩu đang có sự gia tăng trở lại về đơn hàng và sự cải thiện về giá.
Chuyên gia của VFS đưa ra nhận định: “Hồi phục kinh tế vẫn là xu hướng lớn và không thể đảo ngược trong năm 2024, chúng tôi kỳ vọng vào những thông tin tích cực đến từ vĩ mô như việc hạ lãi suất của FED hay sự hồi phục từ nền kinh tế với xuất nhập khẩu tăng mạnh, nhu cầu cầu tiêu dùng quay trở lại sẽ kích thích sự phát triển kinh tế. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giúp kỳ vọng về giá cổ phiếu sẽ cao hơn. Chính vì vậy chúng kỳ vọng thị trường có thể lên vùng 1.320-1350 vào cuối năm”.
Lạc quan về thị trường, ông Petri Deryng cho biết: “Mục tiêu chỉ số VN-Index được giới chuyên gia và các công ty chứng khoán dự phóng ở mức vừa phải quanh vùng 1.400-1.500 điểm. Tuy nhiên, tôi cho rằng mức điểm 1.700 có thể đạt được vào cuối năm 2024.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán DNSE cũng dự đoán, nếu không có sự kiện “thiên nga đen" nào xảy ra thì TTCK Việt Nam sẽ có diễn biến rất tích cực vào cuối năm. Nhà đầu tư nên tranh thủ những cú chỉnh 5-10% của thị trường để mua gom những cổ phiếu cơ bản, có kỳ vọng tăng trưởng thuộc các nhóm Ngân hàng, Thép, Dầu khí và Bất động sản.
“Kinh tế hồi phục là xu hướng chính tuy nhiên chúng ta vẫn còn nhiều những thách thức phải đối mặt như lạm phát duy trì ở mức cao. VFS dự báo lạm phát có thể còn tiếp tục cao ở tháng 6,7/2024. Đặc biệt tỷ giá vẫn là yếu tố rủi ro lớn, khi mà FED tiếp tục neo lãi suất ở vùng cao cùng với việc gia tăng đầu cơ ở thị trường vàng sẽ tiếp tục gây áp lực”, chứng khoán VFS đưa ra dự đoán.
Thu Trang