Ông Đặng Văn Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Quế Võ cho biết, hiện nay, toàn Thị xã Quế Võ có 12 sản phẩm OCOPđược UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó, các sản phẩm 4 sao chiếm gần 50%. Đến nay, các sản phẩm này được phân phối theo kênh truyền thống, các sản phẩm đều có thị trường tiêu thụ ổn định trên các trang điện tử, website bán hàng, kênh thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Tiki, Vỏ Sò, Postmart...
Năm 2023, UBND thị xã Quế Võ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường triển khai, thực hiện các bước của chương trình OCOP, từ việc khơi gợi ý tưởng, sơ bộ đánh giá, thẩm định và đăng ký sản phẩm của các địa phương tham gia chương trình OCOP. Qua đó đã có 12 sản phẩm (bao gồm cả sản phẩm trứng gà sạch đã đăng ký từ năm 2022 nhưng chưa thực hiện đánh giá phân hạng sản phẩm) đăng ký tham gia dự thi “Chương trình OCOP năm 2023”.
Thời gian vừa qua, rất nhiều sản phẩm OCOP của Quế Võ đã được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội thu hút một lượng khách hàng nhất định. Khách hàng lựa chọn và đặt mua nhiều các sản OCOP của Quế Võ, như: Gạo Thơm Đại Xuân, gốm ngọc, gạo thảo dược, bột cám gạo thảo dược, tác phẩm bình lộc cá chép mùa hạ, tác phẩm tranh xum họp gia đình…
Theo phòng Kinh tế thị xã Quế Võ, mục tiêu của Chương trình OCOP nhằm giúp các doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình có cơ hội liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị. Để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, Thị xã đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quá trình triển khai chương trình. Trong đó, hiệu quả nhất chính là khâu đưa sản phẩm OCOP ra thị trường tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Đa số các chủ thể OCOP ở Quế Võ rất năng động, họ tìm hiểu, nghiên cứu rất nhanh và tích cực tham gia nhiều kênh tiêu thụ khác nhau từ hệ thống siêu thị, điểm bán hàng của tỉnh đến các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, từ đó mở ra một kênh tiêu thụ hàng hóa lớn, bảo đảm vấn đề đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm.
Chính quyền đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp
Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm OCOP đã và đang tiếp tục góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn thị xã Quế Võ giúp nền kinh tế nơi đây phát triển bền vững. Chính vì thế thị xã đã có nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia.
Đồng thời, Quế Võ tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân bằng nhiều hình thức như: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tại các hội nghị, hội thảo, các buổi sinh hoạt Đảng, đoàn thể, treo pano, áp phích, in phát tờ rơi.
Bên cạnh đó, xây dựng Website về Chương trình CCOP để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các hoạt động, các sản phẩm của Chương trình. Củng cố, tổ chức lại, nâng cao năng lực hoạt động cho các HTX, Tổ hợp tác đáp ứng yêu cầu Chương trình OCOP; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trên địa bàn; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý cho các cá nhân, doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX tham gia Chương trình OCOP và cán bộ quản lý thực hiện Chương trình OCOP các cấp.
Các sản phẩm OCOP trên của Quế Võ đã cơ bản phát huy tốt giá trị trên thị trường. Qua việc thực hiện Chương trình, các chủ thể sản phẩm của sản phẩm đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về: Sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ...); điều kiện an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định; đồng thời phát huy sức mạnh cộng đồng, phát huy những giá trị tiềm năng, lợi thế của địa phương trong tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương. Góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Quế Võ cũng thực hiện các biện pháp hiệu quả chương trình OCOP như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống tham mưu giúp việc Ban chỉ đạo để thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn thị xã. Chỉ đạo các xã, phường vận động, khuyến khích các hộ sản xuất, các tổ chức kinh tế tham gia sản xuất rà soát, lựa chọn các sản phẩm tiêu biêu, đặc sắc đăng ký tham dự chương trình OCOP. Yêu cầu mỗi xã, phường có ít nhất có1 sản phẩm đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP trong những năm tiếp theo, đặc biệt là các xã trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Thực hiện các mô hình trình diễn nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan, các xã, phường xây dựng quy hoạch vùng sản xuất để mở rộng diện tích vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ cho phát triển sản phẩm OCOP. Tích cực tuyên truyền đến mọi người dân về triển khai sản phẩm OCOP trên địa bàn thị xã. Phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới của tỉnh tiếp tục tổ chức rà soát, lựa chọn sản phẩm để đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp thị xã, dự thi cấp tỉnh. Hỗ trợ chủ thể có sản phẩm mới đăng ký để tham gia trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2023 và những năm tiếp theo.
Cùng với đó, triển khai các vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng an toàn sinh học, sản xuất hữu cơ. Từ đó mời gọi, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP để xây dựng các chuỗi giá trị trong nông nghiệp; tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, đơn vị chuyển đổi loại hình hoạt động của các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP từ cá nhân, gia đình, tổ hợp tác, sang thành lập doanh nghiệp, HTX; tổ chức, tư vấn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP về đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản, sản phẩm; đăng ký nhãn hiệu, xây dựng phương án kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn.
Có thể thấy chính quyền thị xã Quế Võ là một trong những đơn vị đồng hành, chung tay cùng các chủ thể OCOP đưa sản phẩm, thương hiệu, đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng, góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn của địa phương.
Bá Đoàn