Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), năm 2018 Việt Nam nhập khẩu hơn 128 ngàn tấn (hơn 116,3 triệu USD) thịt gà các loại. Chín tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập khẩu hơn 105,7 nghìn tấn thịt gà, tương ứng giá trị hơn 96,5 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, 60% là thịt đùi gà với gần 63.500 tấn; gà nguyên con (gà loại của Hàn Quốc) chiếm 13% tương đương hơn 14.000 tấn; còn lại là các sản phẩm là cánh, chân, mề, gan, da, xương, sụn, phao câu,... giá bình quân các sản phẩm là 0,913 USD/kg (tính ra giá gà nhập khẩu chỉ mới gần 21.000 đồng/kg).

Tình trạng giá gà Tình trạng giá gà "rớt không phanh" khiến nhiều nông dân lo lắng

Lượng thịt nhập khẩu gia tăng chóng mặt cũng đồng nghĩa cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam được lựa chọn các loại thực phẩm gia tăng. Tuy nhiên, khi các sản phẩm nhập khẩu có giá rẻ kỷ lục, chỉ 18.000 đồng/kg thịt  gà, thì quả thực đây là một áp lực rất lớn đối với ngành chăn nuôi nước nhà.

Khiến gà “nội” nhiều phen dậy sóng, tình trạng giá gà "rớt không phanh" được giới chăn nuôi giải thích là do thời gian qua đã tăng đàn gà ồ ạt, cùng lúc đó nguồn hàng nhập khẩu tràn về quá nhiều dẫn đến thừa nguồn cung.

Mổ xẻ những điểm nghẽn của ngành chăn nuôi hiện nay, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, cho đến nay, sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn còn yếu và không bền vững bởi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, quy trình sản xuất còn đơn sơ, chưa được đầu tư khoa học công nghệ cũng như vấn đề vệ sinh môi trường chuồng trại dẫn đến những nguy cơ các loại vật nuôi dễ bị dịch bệnh, ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành so với sản phẩm của các nước khác, đặc biệt là các nước tham gia CTTPP. Theo ông Long, từ việc tiêu thụ trong nước đến xuất khẩu nước ngoài, ngành chăn nuôi đều gặp khó trăm bề. “Chăn nuôi đang là ngành có năng lực cạnh tranh đáng lo ngại nhất.Từ góc nhìn DN về năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi, cho thấy các nước chuyên về chăn nuôi họ có nhiều điểm mạnh lớn về thương hiệu, quy mô hệ thống quản lý trang trại, chất lượng”- ông Long nêu rõ.

Theo Sở Công Thương, không chỉ các trại nuôi gà tăng đàn mà một số trang trại nuôi heo đã tận dụng cải tạo chuồng trại bỏ trống do tạm ngưng chăn nuôi heo làm trại nuôi gà, vịt. Thời điểm đó, Sở Công Thương TP.HCM đã lưu ý các địa phương có số trại nuôi gà, vịt tăng cao tổ chức thông tin, khuyến cáo người nuôi và quy hoạch chăn nuôi phù hợp để tránh tình trạng thừa nguồn cung.

Bởi, chăn nuôi gia cầm còn hạn chế trong liên kết sản xuất, còn tình trạng mất cân đối cung - cầu do chăn nuôi nông hộ còn nhiều, giá thành sản phẩm còn cao, dịch bệnh luôn đe dọa. Nên chăn nuôi gia cầm cần phải có định hướng và các giải pháp để phát triển bền vững.

 Nguyên An