Thỏa thuận Xanh Châu Âu - Tham vọng dẫn đầu

Được phê duyệt vào năm 2020, thỏa thuận xanh của Liên minh Châu Âu là một bộ chính sách tái thiết lập cam kết của Ủy ban Châu Âu trong việc giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Đây là một chiến lược tăng trưởng mới, nhằm mục đích đưa Châu Âu thành một xã hội công bằng và thịnh vượng, với nền kinh tế hiện đại, khai thác và sử dụng tài nguyên hiệu quả và cạnh tranh.

Thỏa thuận xanh này cũng hướng tới mục tiêu Châu Âu không phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2050, và là nơi tăng trưởng kinh tế mà không phụ thuộc vào việc sử dụng tài nguyên.

Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng nhằm mục đích bảo vệ, bảo tồn và nâng cao nguồn vốn tự nhiên của khu vực, đồng thời bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của công dân khỏi những rủi ro và tác động liên quan đến môi trường.

Đơn cử, Châu Âu sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp theo hướng kinh tế xanh, sạch và tuần hoàn. Điều này xuất phát từ thực tế lượng nguyên liệu khai thác toàn cầu hàng năm đã tăng gấp ba lần trong giai đoạn 1970 – 2017, và tiếp tục tăng, gây ra rủi ro lớn trên toàn cầu.

Thách thức và cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam

Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, nhận định, Thỏa thuận xanh của Châu Âu sẽ tác động đến nhiều phương diện của Việt Nam, từ tổng thể nền kinh tế đến cá nhân mỗi người dân.

Thông qua những quy định mới để đạt được mục tiêu mới của Châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nỗ lực cải thiện quá trình sản xuất, sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn, từ đó thúc đẩy sự phát triển chung của cả thị trường trong nước.

“Khi chúng ta thực hiện các yêu cầu theo thỏa thuận xanh, chúng ta buộc phải áp dụng những công nghệ mới, công cụ mới. Điều này có thể giúp Việt Nam đạt được những bước tiến nhảy vọt, cũng như tận dụng được các công nghệ trong thời gian tới”, ông Giorgio Aliberti nhấn mạnh.

Cơ hội này càng trở nên rộng mở hơn khi Việt Nam đang sở hữu vị thế tốt hơn nhiều quốc gia trong khu vực nhờ đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do. 

Tuy nhiên, theo vị đại sứ, các mục tiêu “xanh” đòi hỏi khoản tiền khổng lồ để có thể triển khai – một thách thức rất lớn không chỉ đối với Việt Nam, mà còn ngay cả với khu vực lớn như Châu Âu.

Dù vậy, Việt Nam không hề đơn độc trong tiến trình này, bởi chính phủ sẽ có sự hỗ trợ từ bên ngoài, và từ cả khu vực tư nhân, ông Giorgio Aliberti cho biết. Câu hỏi đặt ra là làm sao để thu hút nguồn lực từ tư nhân, và điều này dẫn tới thách thức thứ hai liên quan đến quy trình thủ tục.

“Thủ tục thông thoáng, minh bạch, khả đoán – có thể đoán trước được – sẽ giúp thu hút đầu tư nước ngoài. Khi chúng ta có những thay đổi tốt đẹp như vậy, khu vực tư nhân – cả nước ngoài và Việt Nam – sẽ tham gia hăm hở hơn vào tiến trình này, từ đó giúp phát triển kinh tế tư nhân, phát triển nền kinh tế chung, mang lại lợi ích cho mỗi người dân Việt Nam”, vị đại sứ nhấn mạnh.

Những yếu tố doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý để đáp ứng yêu cầu mới từ Thỏa thuận xanh

Để chuẩn bị cho các tác động của Thỏa thuận xanh Châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam, có thể cần thực hiện các bước sau:

A
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Thứ nhất, cập nhật thông tin về những diễn biến mới nhất trong Thỏa thuận xanh Châu Âu và bất kỳ quy định, chính sách, chiến lược hay kế hoạch mới nào nhằm thực hiện Thỏa thuận này;

Thứ hai, đánh giá tác động tiềm năng của Thỏa thuận xanh Châu Âu đối với hoạt động và xuất khẩu của doanh nghiệp, đồng thời xác định bất kỳ lĩnh vực nào có thể cần được cải thiện để đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững mới;

Thứ ba, cân nhắc áp dụng các biện pháp bền vững và thân thiện với môi trường hơn, chẳng hạn như giảm phát thải khí nhà kính, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và sử dụng vật liệu tái chế. Ví dụ, đối với Cơ chế điều chỉnh carbon, thay vì mua chứng chỉ carbon của EU, các doanh nghiệp nên bắt đầu thực hiện các bước để giảm khí thải carbon trong quá trình sản xuất;

Thứ tư, chuyển từ mô hình sản xuất và xuất khẩu chỉ tập trung vào sản lượng sang mô hình sản xuất hiện đại, chú trọng tới yếu tố môi trường và phát triển bền vững, đồng thời với việc chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động sản xuất;

Thứ năm, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển: Cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các công nghệ và sản phẩm mới đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững do Thỏa thuận xanh Châu Âu đặt ra.

Vai trò của chính phủ trong việc chuẩn bị cho tác động của Thỏa thuận xanh Châu Âu

Ảnh minh họa internet
Ảnh minh họa internet.

Xây dựng các chính sách và quy định hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế bền vững và thân thiện với môi trường hơn, chẳng hạn như thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng. Liên quan đến Cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM), để hài hòa với biện pháp của EU nhằm bảo vệ lợi ích xuất khẩu của Việt Nam, cần nỗ lực thiết lập hệ thống theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone đúng lộ trình đã đề ra, đặc biệt là cho giai đoạn 2026-2030. Việc khẩn trương xây dựng chính sách giám sát và cấp chứng chỉ carbon cho các nhà sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam cũng thực sự cần thiết;

Bên cạnh đó, theo dõi và đánh giá tác động của Thỏa thuận xanh Châu Âu đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các ngành dễ bị ảnh hưởng nhất và thực hiện mọi bước cần thiết để giải quyết mọi thách thức hoặc cơ hội phát sinh. Đồng thời, cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và đào tạo cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để giúp họ áp dụng các thông lệ bền vững hơn và cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường EU. Xây dựng quan hệ đối tác với các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Ủy ban Châu Âu và khu vực tư nhân, để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có được tài trợ nhằm chuẩn bị cho tác động của Thỏa thuận xanh Châu Âu. 

Ngoài ra, cần phối hợp với các Thành viên WTO tại kênh đa phương, nhiều bên và tăng cường đối thoại với EU qua kênh song phương để đảm bảo EU có cơ chế thích đáng, có tính đến điều kiện cụ thể của từng quốc gia, đặc biệt của Việt Nam. Riêng đối với CBAM, tận dụng kênh đối thoại với EU về CBAM tại Điều 13.6 Chương Thương mại và Phát triển bền vững của Hiệp định EVFTA.

Bằng cách thực hiện các bước này, chính phủ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế bền vững và thân thiện với môi trường hơn, đồng thời giúp các doanh nghiệp chuẩn bị cho tác động của Thỏa thuận xanh Châu Âu.

Lê Pháp (T/h)