Những dấu ấn đáng ghi nhận
Theo lời kể của ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Trưởng thôn Minh Tân, vùng đất Đồng Đò thuộc xã Minh Trí, nay là thôn Minh Tân từ lâu đời đã có nhiều dấu ấn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của cán bộ và nhân dân.
Công cuộc xây dựng vùng kinh tế mới Đồng Đò của bà con nhân dân lúc bấy giờ như một cuộc "Khai sơn, phá thạch", đầy rẫy những khó khăn, gian khổ, nên lãnh đạo huyện Sóc Sơn đặt mục tiêu ổn định cuộc sống, ổn định sản xuất của nhân dân lên hàng đầu.
Đến tháng 6/1986, UBND có quyết định thành lập HTX kinh tế mới Minh Tân. Cũng trong năm 1986, UBND huyện tổ chức phát động trồng cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo chương trình PAM của Liên hiệp quốc để đổi lấy lương thực cho nhân dân. Tiếp theo là các chương trình trồng rừng PAM 327, PAM 3352, chương trình trồng 5 triệu ha rừng của Chính phủ.
Bà con Minh Tân cùng nhân dân toàn xã Minh Trí đã trồng được 667,54ha rừng và có hơn 70ha rừng thông được trồng sẵn. Hàng năm, việc bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng thực hiện rất tốt, góp phần giữ cảnh quan, môi sinh, nuôi dưỡng hồ Đồng Đò.
Vùng kinh tế mới Đồng Đò "thay da, đổi thịt"
Dù không được đầu tư trang thiết bị máy móc, vốn ít nhưng bà con nơi đây bền bỉ, nỗ lực trồng được diện tích rừng lớn, mang lại hiệu quả cao. Sự đóng góp của người dân Minh Tân và toàn xã Minh Trí thật đáng ghi nhận.
Từ năm 1988, UBND huyện Sóc Sơn khai thác được chương trình trồng chè hợp tác với Liên Xô và Ba Lan. Phòng Nông nghiệp Sóc Sơn giao cho Ban quản lý HTX Minh Tân trực tiếp ký kết đến các hộ đăng ký trồng chè để đổi lấy lương thực và phân bón.
Đất nước đã bước vào giai đoạn đổi mới được 10 năm, dù đến hơi muộn nhưng từ năm 2000, làn gió đổi mới cũng đã đến với thôn Minh Tân. Ngày 01/10/2000, đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Bí thư Thành ủy Hà Nội về tại Trạm biến áp Minh Tân chứng kiến công trình điện sinh hoạt thôn Minh Tân được khánh thành gồm 6km đường dây trung thế và hơn 2km đường dây hạ thế được đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.
Bên cạnh đó, Dự án xây dựng đập hồ Đồng Đò được tiến hành giải phóng mặt bằng và khởi công năm 2001. Cảnh quan môi sinh thôn Minh Tân có một diện mạo mới, khơi dậy tiềm năng du lịch sinh thái cho vùng đất này.
Năm 2000, một số hộ trong thôn Minh Tân trồng cây đào phai trong vườn để chơi Tết Nguyên đán. Do hợp thổ nhưỡng và tiểu khí hậu nơi đây nên cây đào phai phát triển tốt và ra hoa rất đẹp, được khách ở nội thành Hà Nội ưa chuộng. Một số hộ gia đình đã có ý tưởng phát triển mở rộng diện tích trồng cây đào phai.
Rất nhạy bén, lãnh đạo thôn nhận thấy cây đào phai chính là thế mạnh của Minh Tân, xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế vườn đồi, nên đã vận động nhân dân trong thôn thâm canh mở rộng diện tích trồng. Bên cạnh đó, UBND xã, UBND huyện, Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn đồng tình ủng hộ và hết sức tạo điều kiện, hàng năm tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đào phai.
Ngày 20/10/2010, UBND TP. Hà Nội ra quyết định số 5320/QĐ -UBND phê duyệt dự án cải tạo nâng cấp đường Bắc Sơn – Minh Trí. Năm 2012, bắt đầu triển khai giải phóng mặt bằng và thi công. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên tới thời điểm hiện tại, tuyến đường mới được thi công được một phần nhỏ.
Xây dựng thương hiệu địa phương
“Người có trước, rừng có sau” – từ gốc cây đầu tiên được trồng lên, suốt mấy chục năm qua, người dân vẫn cần mẫn trồng, kiên định với việc bảo vệ rừng, và luôn tự hào vì thành quả đó. “Trồng ra rừng phải giữ được rừng”, hiểu được tầm quan trọng của rừng và bằng trách nhiệm của người lãnh đạo, ông Nguyễn Đình Cường, Trưởng thôn Minh Tân đã quyết liệt vận động, thuyết phục bà con không để xảy ra nạn phá rừng, phát triển mô hình hộ trang trại, từng bước tạo công ăn việc làm để các hộ dân dần chấm dứt nghề chặt củi đốt than.
Cho đến thời điểm hiện tại, sự nỗ lực của lãnh đạo thôn và người dân đã được đền đáp. Qua 33 năm xây dựng và phát triển, trải qua bao khó khăn gian khổ, cán bộ và nhân dân Minh Tân đã đoàn kết thống nhất, kiên trì không mệt mỏi để xây dựng quê hương phát triển.
Như những lời đúc rút đầy tâm huyết của nguyên Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, ông Nguyễn Văn Kết: Trải qua quá trình bền bỉ xây dựng, thắng lợi lớn của người dân Minh Tân, trước hết về đời sống vật chất tinh thần. Thắng lợi có tính chiến lược, góp phần làm xanh lá phổi Thủ đô là về trồng rừng, giữ rừng, với hơn 600 ha rừng bạt ngàn, xanh mát mắt. Cơ sở hạ tầng, điện đường trường trạm phát triển tạo ra sức hút với bà con. Du lịch tạo sức hấp dẫn cho Sóc Sơn nói chung, và Minh Trí nói riêng.
“Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương phải suy nghĩ làm sao để kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp phát triển, du lịch trở nên hấp dẫn. Làm thế nào để tạo dựng thương hiệu mật ong rừng nguyên chất, cá sạch Đồng Đò. Muốn vậy, phải tích cực tuyên truyền,bảo vệ rừng ,bảo vệ hồ Đồng Đò luôn sạch không bị ô nhiễm kết hợp với đào tạo nguồn nhân lực có tri thức, quay trở về đóng góp xây dựng quê hương. Tiếp tục tôn cố tri tân, xây dựng Minh Tân ngày càng giàu mạnh, an ninh quốc phòng đảm bảo”, ông Kết nhấn mạnh.
Nhận thấy hướng phát triển, lãnh đạo thôn, xã đã từng bước nghiên cứu, tìm hiểu và xây dựng thương hiệu đào Minh Tân. Ông Nguyễn Đình Cường cho biết, cây đào cho thu nhập chủ yếu cho bà con Minh Tân, có những cây 21 năm tuổi, bình quân 6-7 cành/cây.
Đào phai Minh Tân
Với đặc điểm địa hình, những cây đào trồng trên sườn đồi cao càng phát triển tốt và cho nụ hòa dày đẹp, tươi thắm. Lãnh đạo thôn đã tổ chức họp và thống nhất với bà con, nên bán cành, giữ lại gốc đào để có thương hiệu. Ngoài ra, với sự giúp đỡ của Phòng kinh tế huyện Sóc Sơn, phối hợp với Viện hoa cây cảnh, trực tiếp là PGS.TS Đặng văn Đông phổ biến quy trình chăm kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc cây đào cho bà con để có được những cây đào thương hiệu có giá trị cao nhất
“Mong muốn của nhân dân Minh Tân là các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa, cấp thêm giống đào phai và hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con”, ông Cường chia sẻ.
Ban dự án xây dựng mô hình làng văn hóa, du lịch Minh Tân cũng nhanh chóng được thành lập bởi tâm huyết và sự nhiệt thành của lãnh đạo cùng sự góp sức của một số nhân sĩ trí thức. Là một nhà tạo mẫu thời trang nổi tiếng, chị Lan Hương rời xa nhịp sống tất bật, ồn ào trong thành phố để lên và gắn bó với vùng đất bán sơn địa sơn thủy hữu tình.
Dành tình yêu sâu đậm với Minh Tân, chị chia sẻ, sẽ cố gắng để đưa những điều tốt đẹp nhất của thế giới về đây, góp những ý tưởng tốt đẹp, cống hiến để cùng bà con xây dựng mô hình làng văn hóa, làng du lịch. Để làm được điều đó, cũng cần có thời gian, sự đổi mới tư duy, cần cán bộ và con người hội nhập, hướng tới sự phát triển. Nếu được chính quyền, bà con ủng hộ, con đường đó sẽ bớt chông gai hơn, từng bước biến làng quê nghèo thành điểm du lịch, di chỉ văn hóa của Thủ đô.
Bà Đỗ Thị Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm du lịch văn hóa UNESCO nhìn nhận, dự án ra đời, cùng với sự cố gắng của lãnh đạo, bà con, làng du lịch văn hóa Minh Tân sẽ trở thành thương hiệu trong thời gian không xa. “Làm sao để biến thung lũng này trở thành làng hoa, để người dân Hà Nội xếp hàng tới chiêm ngưỡng chứ không thể chấp nhận người dân bán đất, đốt củi hầm than kiếm sống. Với cách nhìn của người làm du lịch, những kinh nghiệm, tri thức, ý tưởng của tôi đưa ra hy vọng sẽ phát huy hiệu quả”, bà Hà nói.
Sau 33 năm xây dựng cơ nghiệp bắt đầu từ khu kinh tế mới Đồng Đò, điều mà người dân Minh Tân luôn mong mỏi là được Nhà nước quy hoạch khu dân cư, để không bị coi như ở trùng lấn vào đất rừng và lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ. Đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt rừng Minh Tân thành khu Bảo tồn để phát triển nhiều mô hình du lịch sinh thái. Đồng thời, tiếp tục triển khai thi công, hoàn thành Dự án nâng cấp, cải tạo đường Bắc Sơn - Minh Trí, tạo điều kiện thuận lợi giao thương, đi lại thuận tiện cho bà con trong vùng.
Tự hào, phấn khởi trước những thành quả to lớn trong 33 năm qua, nhưng cán bộ và nhân dân Minh Tân luôn nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ hết sức nặng nề trong chặng đường tiếp theo, nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trần Nguyên