Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ
Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và các bộ ngành…
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngày 23/11/1945, chưa đầy 3 tháng sau khi nước nhà độc lập, Bác Hồ ký sắc lệnh số 65/SL về bảo tồn di tích, trong đó coi việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc trên toàn lãnh thổ là nhiệm vụ chiến lược đối với công cuộc kiến thiết quốc gia. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ, đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc nghiên cứu tầm nhìn, quan điểm, hành động và ứng xử của Bác trước từng vấn đề, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của Việt Nam. Mỗi một di sản hiện diện trên đất nước là một minh chứng cho một Việt Nam hội nhập, cởi mở, hội nhập văn hóa, văn minh và sự phát triển của nhân loại; một trong những điển hình là đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn.
Lãnh đạo TP. Đà Nẵng và các bộ trưởng tại buổi lễ
“Các di sản trên đất nước Việt Nam được UNESCO công nhận không chỉ đem lại sinh kế, thu nhập cho ngành du lịch, quan trọng và thiêng liêng hơn cả đó là niềm tự hào, tự tôn dân tộc của chúng ta về lịch sử hình thành, phát triển đất nước. Tất cả những người làm công tác di sản, cơ quan chức năng và nhân dân cần ý thức sâu sắc ý nghĩa, sứ mệnh, các giá trị chiến lược của di sản trong việc vun đắp bản sắc dân tộc, nuôi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước, khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh mềm của Việt Nam trên toàn cầu cũng như chính nghĩa của chúng ta trước công luận quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong những năm qua, việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản thế giới luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản thế giới, làm cơ sở để thực hiện cam kết với UNESCO cho việc bảo vệ tốt nhất giá trị nổi bật toàn cầu của các di sản.
Để tiếp tục bảo tồn và phát huy một cách bền vững các di sản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục hoàn chỉnh kế hoạch triển khai hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, cần hướng tới mô hình tăng trưởng trong việc phát triển du lịch gắn với giá trị di sản, gắn việc giải quyết hài hòa giữa bảo vệ, phát huy giá trị di sản với việc nâng cao đời sống nhân dân, nhất là người dân sinh sống trong vùng di sản.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam.
Tăng cường nghiên cứu sớm ban hành, thực thi hiệu quả kế hoạch quản lý, quy chế bảo vệ di sản thế giới theo quy định của UNESCO, xây dựng triển khai các dự án, các chương trình đầu tư, nghiên cứu, bảo tồn, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt về vốn, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn, quản lý, tu bổ, tôn tạo di sản.
Tất cả các địa phương có di sản thế giới, trong đó có đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn cần đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhằm phát triển các sản phẩm du lịch, mô hình dịch vụ một cách đa dạng, bền vững, phù hợp với bản sắc văn hóa, bảo đảm hài hòa về kinh tế, xã hội, môi trường; lưu ý bảo tồn, phát huy tốt các di sản là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là nhân tố góp phần thúc đẩy chiều sâu mối quan hệ quốc tế trên nhiều phương diện văn hóa, chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh; đồng thời văn hóa, thể thao và du lịch kết nối các điểm đến di sản, trung tâm đô thị lớn của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tăng cường hơn nữa trong việc hỗ trợ tỉnh Quảng Nam cũng như các địa phương khác có di sản mang tầm quốc tế thực thi có hiệu quả những nhiệm vụ trên.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết, ngày 4/12/1999, UNESCO đã vinh danh Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới. Sau đó 10 năm, ngày 26/5/2009, Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Đó là niềm tự hào của người dân Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng. Từ đó, cũng đặt ra trách nhiệm vô cùng to lớn trong việc gìn giữ, bảo tồn, trùng tu và phát huy các di sản này.
Đông đảo người dân đến tham dự
Trong thời gian qua, Quảng Nam đã dành nguồn lực đáng kể cho việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát triển các di tích, quảng bá, xây dựng điểm đến du lịch văn hóa và sinh thái. Ngoài ra, Quảng Nam tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của các chính phủ, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu nước ngoài trong công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Nhờ những nỗ lực bền bỉ ấy, Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được quản lý và bảo tồn ngày càng tốt hơn về kiến trúc, cảnh quan sinh thái và không gian văn hóa. Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An trở thành một trong những điển hình bảo tồn đa dạng tài nguyên sinh thái được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Hoàng Gia Bảo