Cụ thể, báo cáo tại cuộc họp, ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ 114.475 người với tổng kinh phí 41,42 tỷ đồng. Trong đó nguồn Bảo hiểm xã hội, ngân hàng Chính sách xã hội 113.387 người, với số tiền 37,62 tỷ đồng. Nguồn ngân sách Trung ương (60%) và tỉnh (40%) 1.088 người, với số tiền 3,8 tỷ đồng.
Về triển khai Nghị quyết số 84/NQ-HĐND ngày 26/8/2021 của HĐND tỉnh "Quy định phân cấp nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ và chính sách hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế", hiện các đơn vị đang tổng hợp, rà soát, kiểm tra danh sách các đối tượng đủ điều kiện nhận hỗ trợ để trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, chính quyền các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể, cần chủ động hướng dẫn, hỗ trợ đối tượng lập hồ sơ đề nghị hưởng chính sách; bảo đảm việc thực hiện chính sách hỗ trợ được kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. “Bà con đang rất khó khăn, nên có hồ sơ nào ký phê duyệt hồ sơ đó, không để người dân chờ đợi”.
Phó chủ tịch Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, đối với nhóm đối tượng đặc thù là những người được nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập; hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội thì phải thực hiện sớm nhất có thể, phải hoàn thành trước 31/10/2021 gói hỗ trợ này.
"Các cấp, các ngành cần tăng tốc, quyết tâm hoàn thành đúng thời gian. Ngành Lao động cần rà soát, đưa ra quy trình gọn, nhanh. Khuyến khích người dân khai báo trên hệ thống Hue-S, thực hiện chi trả qua thẻ để gói hỗ trợ đến với người dân sớm được ngày nào thì tốt ngày đó", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những đối tượng lao động tự do, thực tế hiện nay khá nhiều lao động ngoại tỉnh, sinh viên học sinh… đang ở trọ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế không về quê được vì “Ai ở đâu ở yên đấy”. Họ thất nghiệp, nhưng vẫn phải ăn, sinh hoạt, trả tiền nhà trọ nên rất khó khăn. Đây là những đối tượng rất yếu thế nhưng chưa được địa phương quan tâm hỗ trợ, vận động các chủ nhà giảm tiền trọ…Vì vậy, nhiều ý kiến bức xúc cho rằng các cấp chính quyền nên quan tâm, đừng quên các đối tượng này
Nghị quyết số 84 ngày 26/8/2021 Hội đồng nhân dân tỉnh quy định rõ các đối tượng được hỗ trợ bao gồm:
a) Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do)
làm việc trong lĩnh vực, công việc thuộc các nhóm sau:
- Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định;
- Thu gom rác, thu mua phế liệu;
- Bốc vác, vận chuyển hàng hoá bằng xe ba gác, xe thô sơ; lái xe ôm truyền
thống (không tính grab, shipper), xe xích lô chở khách;
- Bán lẻ xổ số lưu động;
- Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, du lịch;
- Các trường hợp bị ảnh hưởng theo quy định để phòng chống dịch trong
thời gian từ 01 tháng 5 năm 2021 đến 31 tháng 12 năm 2021 gồm:
+ Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động thuộc lĩnh vực phi
nông nghiệp ở các vùng bị phong tỏa, giãn cách xã hội theo quy định của cơ
quan có thẩm quyền để phòng chống dịch.
+ Tự làm hoặc làm việc trong các ngành nghề, lĩnh vực bị tạm dừng hoạt
động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng chống dịch.
+ Tự làm hoặc làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản
lưu niệm dọc tuyến Quốc lộ 1A theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để
phòng chống dịch.
b) Đối tượng đặc thù khác gồm:
- Đối tượng được nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập.
- Hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội.
- Minh Tích