Bên cạnh con số 92% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong năm 2021, kế hoạch còn xác định đối tượng là nhóm nguy cơ, lực lượng tuyến đầu theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt tỉ lệ 100 %. Đồng thời, đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng Covid-19.
Với mục tiêu chung là phòng chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ và cho cộng đồng. Theo Cục thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế đến cuối năm 2020, dân số toàn tỉnh là 1.136.550 người, trong đó số người trên 18 tuổi là 810.701, đây là số người mà kế hoạch hướng tới cần được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 16/9/2021, thì tổng số lượng vaccine (tính từ 29/4 đến nay) địa phương có được là 188.048 liều. Trong đó, AstraZeneca: 108.110 liều; Pfizer: 22.818 liều và Moderna: 57.120 liều. Kết quả tổng số người tiêm 1 mũi vắc xin là 47.641; tổng số người tiêm 2 mũi vắc xin là 53.268 người.
Như vậy, tính theo tỉ lệ thì số lượng người được tiêm phòng vắc xin trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là quá ít chưa nói đến sự phân bổ về các địa phương, ngành nghề đang có nhiều ý kiến khác nhau. Như nhà báo Kim Hoa (Tạp chí Người Cao tuổi) từng lên tiếng, cùng địa bàn thành phố Huế nhưng có phường thì người dân tiêm hoàn thành 2 mũi nhưng có phường thì chưa được tiêm mũi nào.
Ông Nguyễn Thành Sơn, cán bộ hưu trí ở tổ 13 phường Vỹ Dạ than vãn, dân số của tổ là 1500 người. Mấy tháng nay, nhiều hộ dân trong tổ bị thực hiện biện pháp cách ly nhưng cả tổ chỉ mới được hơn 30 người tiêm vắc xin, là quá ít. Tương tự, Luật sư Hoàng Kiến An trao đổi, cùng là doanh nghiệp ngành ngân hàng nhưng ngân hàng này thì được tiêm, ngân hàng khác thì chờ đợi…
Được biết, trong đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 7 này, được mở rộng ra nhiều nhóm đối tượng mới như tiểu thương các chợ; người dân, nhân viên các quán ăn dọc Quốc lộ 1; chức sắc tôn giáo, cán bộ, giảng viên Đại học Huế; doanh nghiệp đóng góp ngân sách lớn trên địa bàn, doanh nghiệp trong các khu kinh tế, công nghiệp; doanh nghiệp tại các huyện, thị xã. Công chức nhà nước, Đảng, đoàn thể; viên chức các đơn vị sự nghiệp; cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo từ 50 tuổi trở lên; tổ Covid-19 cộng đồng, dân quân tự vệ, công an xã không chính quy tham gia chống dịch; các cơ quan Trung ương trên địa bàn; cán bộ, nhân viên tại bến cảng, nhà ga…
Thậm chí, Sở Y tế còn công khai các điểm tiêm chủng vắc xin phòng Covid- 19 như: Điểm tiêm tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tiêm cho đối tượng là tiểu thương chợ An Cựu với 268 liều; Bệnh Viện Y học Cổ truyền tiêm cho các tiểu thương chợ An Hòa, chợ cá Phú Hậu,... 434 liều; Bệnh viện Răng hàm Mặt tiêm đối tượng tiểu thương chợ xép Thuận Lộc, công nhân viên giao thông, xây dựng và đối tượng hoãn tiêm đợt 5 tổng số là 273 liều; tại Trung tâm Y tế Phú Vang tiêm cho Công ty TNHH Baosteel Can Making với 134 liều; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức tiêm lưu động 2.500 liều cho Công ty TNHH HANESBRANDS Việt Nam- Huế…
Từ thực tế hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang nằm trong tốp tỉnh thành có tốc độ tiêm vắc xin trung bình nên cần đẩy nhanh tiêm vắc xin cho các đối tượng theo thứ tự ưu tiên hơn nữa. Đồng thời, tỉnh chuẩn bị tốt kế hoạch cho các đợt tiêm vắc xin kế tiếp chuẩn bị phân bổ; bên cạnh đó sự công khai là cần thiết để người dân yên tâm chờ đợi đến lượt mình, không tồn tại sự nghi ngờ như lâu nay
Trần Minh Tích