Tại công văn số 8269/UBND-NĐ phê duyệt chế độ cho người tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại các chốt kiểm soát y tế, áp dụng từ khi chốt được thành lập và đi vào hoạt động.
Theo đó, chế độ và mức phụ cấp chống dịch cho các thành viên của Tổ công tác liên ngành làm nhiệm vụ tại Chốt kiểm soát y tế đối với người, phương tiện vào và đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với mức hưởng là 150.000 đồng/người/ca làm việc 8 tiếng (ngoại trừ sinh viên của các trường đại học, cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia chống dịch trong thời gian có dịch Covid-19 đã có chế độ riêng).
Đồng thời, văn bản số 8333/UBND-XH ngày 10/9/2021 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các Sở ban ngành, các cơ quan đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho lao động từ các tỉnh, thành phố khác trở về địa phương do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Cụ thể giao trách nhiệm cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, các sở, ngành, các địa phương … kết nối cung cầu lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, lưu động cho người lao động từ các tỉnh, thành khác về. Trước mắt tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho 9.791 lao động có nhu cầu tìm việc làm vào làm việc tại 34 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 7.669 vị trí việc làm để ổn định cuộc sống.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho 1.431 lao động có nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp sớm có việc làm ổn định cuộc sống. Có chính sách hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
UBND thành phố Huế, các thị xã và các huyện phối hợp với các ngành liên quan giới thiệu việc làm tại chỗ thông qua các ngành nghề truyền thống, các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp giúp người lao động giải quyết việc làm tăng thêm thu nhập. Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện có hiệu quả các chính sách về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, ưu tiên chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho những lao động có nhu cầu. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19. Rà soát nắm tình hình, số lượng, trình độ, tay nghề theo từng ngành nghề, lĩnh vực và nhu cầu của lao động từ các tỉnh, thành khác trở về địa phương báo cáo UBND tỉnh trước ngày 22/9/2021 thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.
Được biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngừng hoạt động, một số lượng lớn lao động quê Thừa Thiên Huế làm việc tại các tỉnh, thành có dịch Covid-19 đã di chuyển về địa phương lưu trú, tránh dịch (theo số liệu thống kê toàn tỉnh có hơn 25.000 người lao động ở các tỉnh, thành phố khác trở về), do đó người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp rất lớn.
Minh Tích