Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Ái Vân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết:
“Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được khởi xướng từ năm 2009 của Bộ Chính trị. Trải qua 15 năm triển khai, cuộc vận động đã trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh hàng Việt, đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc trong mỗi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế đang đứng trước nhiều thách thức. Bên cạnh những lợi thế to lớn từ nền văn hóa, lịch sử lâu đời và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chúng ta vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng ngoại nhập, sự phát triển chưa đồng đều giữa các doanh nghiệp và đặc biệt là nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận người tiêu dùng về giá trị hàng Việt.
Đây là những rào cản mà chúng ta cần vượt qua để đưa cuộc vận động ngày càng phát huy hiệu quả trong tình hình mới”.
Hưởng ứng Cuộc vận động, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, tích cực tham gia ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hoá thương hiệu Việt.
Được biết, đây là lần đầu tiên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tại hội thảo ngoài bào cáo tham luận của 17 tác giả/đơn vị trên địa bàn tỉnh viết về 4 nhóm chủ đề chính là:
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Kết nối và tiêu thụ sản phẩm địa phương; Truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Kinh nghiệm, giải pháp và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực tiễn hiện nay còn có 20 doanh nghiệp triển lãm trưng bày các sản phẩm đặc sắc của địa phương.
Nội dung tham luận trình bày tại hội thảo - làm rõ sự quan trọng của công tác dân vận trong việc tuyên truyền và vận động cộng đồng tham gia. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội như hội nông dân, hội phụ nữ…, có vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy sự tham gia của các tầng lớp nhân dân vào việc tiêu dùng hàng Việt.
Nêu bật các giải pháp để kết nối và tiêu thụ các sản phẩm địa phương, đặc biệt là sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) và các sản phẩm truyền thống đặc trưng của các địa phương; đề xuất các mô hình kết nối và tiêu thụ sản phẩm tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa như việc tổ chức các phiên chợ vùng cao, nơi cung cấp sản phẩm OCOP và sản phẩm truyền thống của các địa phương đến tay người tiêu dùng…
Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm; tổ chức các sự kiện, hội chợ, triển lãm…
Đề cao vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng đối với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Truyền thông không chỉ là quảng bá về cuộc vận động mà còn giúp nâng cao nhận thức, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân.
Đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp, cần có ý thức nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước, từ việc cải tiến chất lượng sản phẩm, phát triển bao bì, xây dựng thương hiệu mạnh mẽ đến việc áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất…
Nhiều ý kiến đại biểu cho biết thêm, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Thừa Thiên Huế đang lan tỏa mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi tiêu dùng của người dân. Đây là động lực để các doanh nghiệp tiếp tục cải tiến, sáng tạo và phát triển, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ là một chính sách chiến lược mà còn là nhiệm vụ cấp bách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước.
Cuộc vận động đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, thúc đẩy người tiêu dùng ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước và khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Trần Minh Tích