THCL Trường THCS Chu Văn An (số 36, Dương Văn An, phường Xuân Phú, TP. Huế), tọa lạc tại nơi có ít lưu lượng người qua lại; bù lại, có vỉa hè thoáng rộng - là nơi khá lý tưởng cho những quán ăn vỉa hè hoạt động.
Thực phẩm bẩn tung hoành
Những quán ăn, xe hàng tự phát, nhất là xe hàng rong vô tư bày bán công khai, thiếu sự quản lý, giám sát về ATVSTP của các cơ quan chức năng?
Vô số đồ thực phẩm đa dạng nhiều màu như trà đào, trà chanh, trà dâu, trà sữa trân châu…, nhưng không hề có nhãn mác xuất xứ rõ ràng, được đựng trong những chiếc chai nhựa, dùng đi dùng lại nhiều lần, không nhãn hiệu, không hạn sử dụng…
Người dân phản ảnh, với những thực phẩm thiếu an toàn, không ít xe hàng rong tụ bán tại các hàng rào quanh trường, học sinh có thể dễ dàng mua quà ăn vặt trong những giờ giải lao, khi tan trường.
Nhiều loại đồ uống mà gần đây báo chí đã cảnh báo là sử dụng các chất hóa học với những hương hiệu và phụ gia độc hại, nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng con người, vẫn được bày bán công khai.
Mặc dù nhà trường đã có hẳn một căng tin với đủ đồ ăn, thức uống - được quản lý chặt chẽ, lưu mẫu và đã được công nhận bảo đảm ATVSTP. Tuy nhiên, phần lớn học sinh vẫn đua nhau mua thực phẩm bẩn tại các hàng quán bên ngoài cổng trường? Vì sao? Vì rằng, chỉ cần vài nghìn đồng là đám cô cậu học trò đã có thể mua được một món ăn hay đồ uống hấp dẫn, bắt mắt.
Thầy giáo Lê Văn Hùng, Phó hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An bộc bạch: “Nhà trường bức xúc bởi hàng loạt hàng quán trôi nổi ngoài cổng trường; lo lắng cho sức khỏe học sinh khi nhiều em xà vào mua những đồ ăn, thức uống không bảo đảm ATVSTP. Nhưng quả thực, chúng tôi rất khó kiểm soát”.
Theo Trung tâm Y tế TP. Huế, việc quản lý ATVSTP đối với hoạt động bán hàng rong, đã được phân cấp cho các địa phương (phường sở tại).
Khi đặt vấn đề này với lãnh đạo phường Xuân Phú, ông Lương Vầy, Phó chủ tịch khẳng định: Phường không cho phép những gánh hàng rong được hoạt động trước cổng trường, cũng như trên vỉa hè khu vực trường. Hoạt động bán hàng rong tại khu vực Trường THCS Chu Văn An là vi phạm trật tự đô thị”.
Lơ là với học sinh?
Trên địa bàn TP. Huế, nhiều trường học phải đối mặt với những tình cảnh tương tự Trường THCS Chu Văn An. Theo đó, tại các cổng trường, bên cạnh các hàng quán cố định, xuất hiện ngày càng nhiều xe chở thực phẩm, đồ uống lưu động, không nhãn mác, không xuất xứ hoặc xuất xứ “mù mờ”! Được biết, tại một số địa bàn có sự quản lý chặt, để đối phó với lực lượng chức năng, các gánh hàng rong lưu động thường chỉ xuất hiện tại các cổng trường vào giờ giải lao, khi tan trường hàng ngày và họ dễ dàng di chuyển khi bị lực lượng chức năng phát hiện…
Ở lứa tuổi còn nhỏ, sự nhận thức của các em còn rất nhiều hạn chế. Vì vậy, vai trò của nhà trường là vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền - giáo dục cho học sinh về ATVSTP; tuyên truyền thực phẩm nào an toàn, thực phẩm nào là không an toàn… Thực tế, nhiều trường đã áp dụng biện pháp mạnh đó là không mở cổng vào các giờ giải lao; trừ điểm thi đua đối với các lớp có nhiều học sinh ăn quà vặt trước cổng trường… Tuy nhiên, vẫn không ngăn chặn được dứt điểm những hành vi này?
Việc xử lý thiếu mạnh tay của chính quyền địa phương, vô hình chung đã tiếp tay cho cánh hàng rong chuyên bán thực phẩm không bảo đảm ATVSTP, tại các cổng trường có “đất sống”!
Đối với các bậc phụ huynh, việc chiều chuộng, thiếu sự chỉ bảo, giáo dục thấu đáo, thường xuyên cho con tiền… cũng vô tình tạo cơ hội cho các em ăn quà vặt, tiếp xúc với các loại thực phẩm bẩn, vô cùng nguy hiểm.
Phó giám đốc Trung tâm Y tế TP. Huế, Bác sỹ Nguyễn Vũ Nhật Chi chia sẻ: “Một khi các cháu ăn phải thực phẩm không an toàn, dễ dẫn đến nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, mắc bệnh về đường tiêu hóa, ảnh hướng tới sức khỏe và việc học hành. Nhằm hạn chế tình trạng này, thiết nghĩ, trước hết nhà trường cần phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh để làm sao học sinh không ăn phải thực phẩm không bảo đảm ATVSTP. Dứt khoát “nói không” - kiên quyết dẹp bỏ các quán hàng rong trước các cổng trường học”.
Võ Thu Sương