Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, quận Bắc Từ Liêm có nhiều công trình văn hóa tiêu biểu, phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương, quận có 136 di tích, 35 di sản văn hóa phi vật thể, 26 di tích cách mạng kháng chiến. Trong đó, 63 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa gồm 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt đình Chèm, 48 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp TP…

Trong đó, phường Đông Ngạc là địa danh tiêu biểu trong hệ thống di sản văn hóa tại quận Bắc Từ Liêm. Đình Đông Ngạc còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, có giá trị như 1 tấm bia thủy tạ, 1 bia hậu thần, 1 bia Dương Hòa thứ nhất (1635), 1 quả chuông niên hiệu Minh Mệnh thứ 13 (1832), 45 đạo sắc phong…

“Thời kỳ phong kiến, Đông Ngạc là một làng nổi tiếng của Thăng Long với 22 người đỗ tiến sĩ qua các triều đại… Bên cạnh đó, Đông Ngạc còn lưu giữ những hương ước, quy ước của làng xã, gia phả, các dòng họ xưa để lại cho thế hệ sau bảo tồn và phát huy”, Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc Nguyễn Văn Cường cho biết thêm.        

Hội thảo khoa học với chủ đề “Di sản văn hóa Bắc Từ Liêm, làng khoa bảng Đông Ngạc với kết nối chuỗi giá trị di sản văn hóa, du lịch trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo”
Hội thảo khoa học với chủ đề “Di sản văn hóa Bắc Từ Liêm, làng khoa bảng Đông Ngạc với kết nối chuỗi giá trị di sản văn hóa, du lịch trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo”

Khẳng định quận Bắc Từ Liêm có nhiều yếu tố thuận lợi, có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa tâm linh, PGS.TS Phạm Lan Oanh - Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ: Ban Thường vụ Quận ủy đã ban hành Chuyên đề số 05–CĐ/QU ngày 28/12/2016 về phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch quận Bắc Từ Liêm giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo. Điều này thể hiện tầm quan trọng của việc phát triển du lịch văn hóa trong ngành kinh tế du lịch của quận.

Nhờ đó, những năm gần đây, tiềm năng và lợi thế về phát triển triển du lịch văn hóa tâm linh của quận Bắc Từ Liêm đang phát huy hiệu quả.

Tại hội thảo, lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm nhận định, hiện nay, việc khai thác các tài nguyên du lịch văn hóa nói chung và giá trị di sản văn hóa nói riêng cho phát triển du lịch trên địa bàn quận còn gặp nhiều khó khăn cả về cơ chế tổ chức và triển khai, phát triển sản phẩm cũng như thị trường.

Thêm vào đó, sự tham gia của cộng đồng DN địa phương trong các hoạt động du lịch, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và khai thác di sản văn hóa cho phát triển du lịch cũng hạn chế.

Góp ý giải pháp để thúc đẩy du lịch văn hóa trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Tiến sỹ Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hoá Du lịch, Trường Đại học Thủ đô đề nghị, cần xác định những giá trị cốt lõi để hình thành không gian lịch sử văn hóa của quận. Đồng thời khai thác tốt tuyến sông Hồng chảy qua địa phận của quận, kết nối với các địa phương bên cạnh để hình thành tour du lịch đường sông đặc sắc

“Trong khu vực, quận Bắc Từ Liêm cần coi trọng không gian văn hóa của cư dân vùng ven sông Hồng, nơi có nhiều nền tảng giá trị cốt lõi từ thời kỳ văn minh Văn Lang – Âu Lạc, mang đặc trưng văn hóa của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, vùng dân cư ven kinh đô Thăng Long xưa. Vì vậy, nên chọn khu vực Đông Ngạc (làng khoa bảng của Thăng Long xưa) cùng với đình Chèm (di tích quốc gia đặc biệt) để xây dựng một không gian văn hóa lịch sử mang tính biểu tượng về văn hóa của Bắc Từ Liêm.

Trong không gian văn hóa lịch sử đó có đủ vốn văn hóa để các nhà thiết kế, cộng đồng sáng tạo ứng dụng công nghệ, thành tựu khoa học, kỹ năng kinh doanh để tạo ra sản phẩm văn hóa du lịch văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân và du khách. Đây thực sự là không gian tốt để thực hiện các lĩnh vực công nghiệp văn hóa”, Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc Nguyễn Văn Cường cho hay.

Các nhà khoa học kiến nghị, quận Bắc Từ Liêm cần tiếp tục coi trọng nguồn lực văn hóa bắt đầu từ cộng đồng dân cư trên vùng đất có di sản văn hóa.

Đồng thời xây dựng các chương trình du lịch trải nghiệm phù hợp với các đối tượng, trong đó chú ý đến đối tượng trẻ bằng việc khai thác vùng ven sông và mặt nước sông Hồng trở thành không gian sáng tạo...

Thu Trang(t/h)