TS. Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Diễn đànTS. Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Diễn đàn

Sau 4 năm triển khai Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, đến nay thanh toán điện tử và hệ sinh thái thanh toán điện tử có những bước phát triển tích cực.Thực tế, những bước phát triển này đến đâu? Những thách thức nào đang ở phía trước? Và làm thế nào để từ những bước phát triển này chúng ta  thậm chí còn đi nhanh và vượt qua lực tác động của COVID-19 cũng như sự xoay chuyển ý thức thích nghi phù hợp, kịp thời cho doanh nghiệp khi lựa chọn tồn tại cùng phương thức mới?

Chính vì vậy, chiều ngày 26/8/2020, tại Hà Nội, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn: Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg- Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, COVID-19 ở một góc độ khác đang khiến chúng ta thay đổi nhanh hơn trong chuyển đổi số, thay đổi chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, chiến lược kênh phân phối...

“COVID-19 đang bước vào giai đoạn thứ hai, chúng ta cũng chưa biết bao giờ có thể khống chế dịch bệnh này, do đó, không có cách nào khác là phải thay đổi nhanh hơn, chuẩn bị tâm thế và nền tảng cho kinh doanh bền vững trong bối cảnh sẽ phải sống chung với đại dịch”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI thông tin, ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định 2545/QĐ-TTg). Sau gần 4 năm triển khai, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển tích cực; cơ sở hạ tầng, công nghệ thanh toán được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc; công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt được coi trọng và tăng cường…

Các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử được phát triển mạnh, đa dạng; hầu hết các sản phẩm, phương tiện thanh toán mới, hiện đại đã được nghiên cứu, triển khai tại Việt Nam, đặc biệt thanh toán qua thiết bị di động có tốc độ tăng trưởng mạnh.

Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện đã có 70 tổ chức tín dụng và chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán, như ví điện tử… đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300 nghìn tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động.

Giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng trên 21% so với cùng kỳ 2019. Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng 81,32% về số lượng và tăng 145,32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trong 20 ngày đầu tháng 4/2020, giá trị giao dịch trung bình qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,85% so với cùng kỳ năm trước.

“Mặc dù có bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng, tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn cao”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh và cho biết, theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt. Ở góc độ doanh nghiệp, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam dù đã trở thành nhu cầu tất yếu, nhưng cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức. 

Theo Chủ tịch VCCI, ở đây có cả vấn đề nhận thức và ý thức. Trong đó, hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng.

“Hiện nay, các tổ chức tài chính (gồm ngân hàng, trung gian thanh toán và ví điện tử) đều xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán, vừa gây lãng phí, vừa không tận dụng được hạ tầng chung. Các hình thức thanh toán mới như QR Code, sinh trắc học... bắt đầu phát triển nhưng chưa được quy hoạch, đánh giá để triển khai diện rộng”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. 

Đặc biệt, về môi trường pháp lý, Chủ tịch VCCI nhận định, dù đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số, nhưng vẫn còn trở ngại về mặt pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành. Điều này khiến thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng ưa tiện lợi, nhất là khối doanh nghiệp.

Cụ thể là sự thiếu phù hợp giữa các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số; Vấn đề bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn chưa đảm bảo...

Trước thực trạng nói trên, TS.Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, cần có những nỗ lực mới cả ở tầm chính sách và tạo lập hạ tầng để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp nói riêng.

Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Chính phủ từ giữa thập niên trước. Cụ thể hóa chủ trương này, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Dưới góc độ của một chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chúng ta bước vào giai đoạn không thể không thanh toán không dùng tiền mặt. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 càng ngày càng nghiêm trọng, thế giới đi vào trong giai đoạn khủng hoảng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử loài người, kể cả y tế, sức khỏe con người, dịch bệnh chưa được kiểm soát. Có hai thứ vắc xin và thuốc chữa đều chưa có.

“Nhưng trong cái khó lại ló cái khôn. Trong hoàn cảnh khó khăn, đó là cơ hội chuyển đổi nền kinh tế truyền thống dùng nhiều tiền mặt, có sự can thiệp lớn của con người sang giai đoạn con người không thể tiếp tục gần gũi, can thiệp vào mọi quy trình sản xuất kinh doanh mà phải qua hệ thống công nghệ hiện đại. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam thay đổi”, TS. Hiếu bày tỏ quan điểm.

Theo TS. Hiếu, Việt Nam đã đi một đoạn đường rất dài từ khi có Nghị quyết của Chính phủ từ năm 2012, gần đây là Quyết định 2545, sau đó có một số nghị định nữa….để nền kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế phi tiền mặt. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, kinh tế nước ta vẫn là nền kinh tế tiền mặt, 80% chi tiêu của người dân vẫn là tiền mặt, người dân chưa dám sử dụng thẻ, QRCode,…Mặc dù đã có những cố gắng rất lớn từ phía các cơ quan chức năng, đặc biệt là NHNN, Bộ Tài chính, Chính phủ luôn có chủ trương nhưng kết quả không như mong đợi.

TS. Hiếu nêu lên một số đề xuất. Trước hết, sớm ban hành dự thảo xây dựng chương trình có kiểm soát về thanh toán phi tiền mặt với các công ty fintech, nên sớm nhất vào Quý 4 năm nay. Việc thử nghiệm cần nhanh chóng thực hiện trong vòng 1 năm để các công ty fintech bước vào sân chơi, vận hành.

Các nước như Mỹ có chương trình giáo dục cộng đồng, quần chúng trong việc đưa ra hệ thống phi tiền mặt với những vấn đề hết sức đời thường, bài bản để hướng dẫn người dân. NHNN cũng cần có một chương trình tương tự đưa lên các kênh truyền thông để thúc đẩy nhận thức trong cộng đồng.

Ngoài ra, thúc đẩy phi tiền mặt còn tránh nạn làm tiền giả. Một vấn đề quan trọng nữa là xử lý sai phạm trong hệ thống tài chính ngân hàng như lừa đảo qua mạng, tiền giả. Các cơ quan chức năng phải vào cuộc, đưa những vụ vi phạm ra tòa án, thông tin công khai…

TS. Hiếu cũng nhấn mạnh, trong khó khăn của kinh tế toàn cầu và Việt Nam thì vấn đề sử dụng tất cả các quy định pháp luật, công cụ tài chính để biến Việt Nam thành nền kinh tế phi tiền mặt là cần thiết và bày tỏ mong muốn, trễ nhất đến năm 2025, 80% dân số Việt Nam phải có tài khoản ngân hàng, phương tiện thanh toán phi tiền mặt chiếm tỷ trọng 40% trong giao dịch thanh toán tại Việt Nam.

 Trần Nguyên