Về diễn biến chỉ số, theo VFS, tháng 3 là một tháng đầy biến động của VN-Index, khi mà chỉ số có các phiên điều chỉnh liên tiếp trong những ngày cuối tháng, bất chấp diễn biến tăng điểm tích cực đầu tháng. Chốt tháng, VN-Index tăng 1,50 điểm (+0,11%). Thị trường gặp phải áp lực điều chỉnh do bên mua bắt đầu thận trọng khi VN-Index lên đến vùng giá cao và dòng tiền cũng gia tăng áp lực chốt lời ngắn hạn sau diễn biến tăng điểm mạnh trước đó.

Về thanh khoản, VFS cho biết, giá trị giao dịch trung bình một phiên trong tháng 3 đạt 18,1 nghìn tỷ, tăng 27% so với tháng trước. Thanh khoản tăng mạnh trong những phiên đầu tháng, sau đó sụt giảm mạnh tại những phiên điều chỉnh cuối tháng. Điều này thể hiện việc bên bán chiếm ưu thế và bên mua cũng không tích cực tham gia đỡ gia tại vùng giá hiện tại.

Về diễn biến nhóm ngành, sắc đỏ chiếm chủ đạo trên các nhóm ngành trong tháng vừa qua, nổi bật là nhóm công nghệ, truyền thông và hàng cá nhân. Trong đó, diễn biến sụt giảm của nhóm công nghệ, cụ thể là cổ phiếu FPT, đã tác động tiêu cực nhiều nhất lên thị trường. Sắc xanh xuất hiện le lói tại nhóm bất động sản và nhóm ô tô và phụ tùng.

Từ đó, VFS đưa ra khuyến nghị, chỉ số VN-Index giảm điểm với thanh khoản gia tăng tại các phiên cuối tháng, cho thấy bên bán chiếm ưu thế trở lại ngay tại vùng hỗ trợ quan trọng 1.300. Nếu trong các phiên tới, vùng hỗ trợ này bị phá vỡ thì rủi ro điều chỉnh sâu sẽ tăng cao. Do đó, nhà đầu tư có thể hạ tỷ trọng tại những cổ phiếu yếu, vi phạm nguyên tắc cắt lỗ. Tỷ trọng danh mục khoảng 50%.

Kịch bản thị trường được Chứng khoán Nhất Việt đưa ra như sau: Kịch bản 1: VN-Index đi ngang, tích lũy tại vùng hỗ trợ 1.300 điểm. Nhà đầu từ quan sát và chờ những tín hiệu tạo đáy của thị trường; Kịch bản 2: VN-Index thủng vùng hỗ trợ 1.300 điểm. Nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng tại những cổ phiếu vị phạm quỹ tắc cắt lỗ, đưa tỷ trọng về mức 30% - 40%.

Thu Trang