Theo VNDIREC, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong tuần qua, đặc biệt ở 3 phiên cuối tuần khi lo ngại về thuế quan leo thang. Ngày 26/3, Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% đối với xe hơi, gấp 10 lần mức cũ, có hiệu lực từ 2/4. Động thái này làm cổ phiếu ngành ô tô toàn cầu lao dốc, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư vốn đã bất ổn bởi cuộc chiến thương mại kéo dài. Thêm vào đó, ngày 2/4, Mỹ dự kiến công bố chính sách thuế đối ứng nhắm vào nhóm 15 quốc gia có mức thuế cao và thặng dư thương mại lớn, trong đó Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Trong tuần này, thị trường có thể duy trì tâm lý thận trọng, và VN-INDEX có thể kiểm định vùng hỗ trợ quan trọng 1.300 điểm (+/-10 điểm). Tuy nhiên, khả năng chỉ số giảm sâu hơn vùng này không cao nhờ: (1) lo ngại thuế quan đã phản ánh phần lớn vào đợt điều chỉnh gần đây; (2) Việt Nam gần đây đã có những bước đi mạnh mẽ và kịp thời để giảm thiểu nguy cơ bị phía Mỹ áp thuế quan “hà khắc”, bao gồm ký kết các thỏa thuận thương mại lên tới 90 tỷ USD với Mỹ và xem xét giảm thuế đối với một số sản phẩm nhập khẩu như ô tô, ethanol, LNG, nông sản, gỗ và sản phẩm gỗ để phần nào cân bằng thương mại với các đối tác thương mại quan trọng và (3) tác động trực tiếp từ thuế quan tới thị trường chứng khoán là hạn chế do nhóm cổ phiếu liên quan tới xuất khẩu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu các chỉ số chứng khoán. Do đó, tôi cho rằng rủi ro và tác động từ thuế quan có thể đang bị “thổi phồng” quá mức.
Chuyên gia của VNDIRECT bảo lưu quan điểm nếu VN-INDEX lùi về vùng hỗ trợ quanh 1.300 điểm (+/-10 điểm) sẽ mở ra cơ hội giải ngân với giá vốn tốt cho mục tiêu trung-dài hạn, đặc biệt ở các ngành có triển vọng tích cực trong năm nay như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản nhà ở, điện, và đầu tư công. Năm 2025, thị trường đang hội tụ nhiều yếu tố hỗ trợ để kỳ vọng vào xu hướng tích cực, bao gồm định giá hấp dẫn, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tích cực, những lợi ích lớn từ triển khai hệ thống KRX và nâng hạng thị trường.
Thu Trang