Cụ thể, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vitos được quảng cáo như thuốc chữa bệnh? - Hình 1

Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, do Cục ATTP (Bộ Y tế) cấp ngày 06/09/2018

Theo Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 7479/2018/ĐKSP, do Cục ATTP (Bộ Y tế) cấp ngày 06/09/2018, thì sản phẩm Vitos được cấp phép với tên gọi “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vitos” (cấp cho Công ty Cổ phần Y dược Lis tại số 5 Cầu Đơ 1, Hà Cầu, Hà Đông, TP. Hà Nội; Sản xuất: Xưởng sản xuất – địa điểm kinh doanh Công ty TNHH Dược phẩm SMARD có địa chỉ Thôn Thượng, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội).

Tuy nhiên, thời gian qua tại Website: www.songkhoemoingay.gq và một số trang mạng xã hội lại đăng tải nhiều bài viết, chia sẻ của khách hàng về sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vitos. Trong đó, những từ, cụm từ như “điều trị”, “phục hồi”, “ngăn ngừa”… xuất hiện dày đặc. Thậm chí, Website này còn khẳng định 90% bệnh nhân thấy hiệu quả rõ rệt ngay sau một liệu trình, điều trị vĩnh viễn – không tái phát, bà con yên tâm sử dụng…

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vitos được quảng cáo như thuốc chữa bệnh? - Hình 2Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vitos được quảng cáo như thuốc chữa bệnh? - Hình 2

Một số nội dung quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vitos trên các trang mạng xã hội

Bên cạnh đó, website này còn sử dụng hình ảnh của các nghệ sĩ, bệnh nhân chia sẻ về công dụng và hiệu quả của sản phẩm. Đồng thời, đăng tải các ý kiến khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm có điểm chung là “khỏi bệnh” đau dạ dày từ lâu năm mà chưa hề có kiểm chứng nào.

Cụ thể như: Chị Nguyễn Thị An (33 tuổi) tại Hà Nội nói: “Sau khi được bác sĩ tư vấn, tôi đã sử dụng sản phẩm kết hợp với ăn uống điều độ. Đến nay bệnh của tôi đã thuyên giảm đi rất nhiều…”.

Hay anh Đoàn Hùng (43 tuổi) tại Hồ Chí Minh cho biết: “Công nhận thuốc của ông Bảy dùng tốt thật, tôi chớm bị trào ngược được bác sỹ kê cho một liệu trình. Uống từ đó đến nay khỏi hẳn, không còn cảm giác ợ nóng, cơ thể mệt mỏi như trước nữa…”.

Trong vai người có nhu cầu chữa bệnh dạ dày, PV đã liên hệ với số Hotline tại website này để được tư vấn. Theo đó, một người tự xưng là dược sĩ chịu trách nhiệm ở phòng khám, khẳng định: “Cam kết có hiệu quả ngay sau khi sử dụng 1 liệu trình cơ bản với 3 lọ, có giá 1.950.000 đồng, trong vòng 30 ngày sẽ khỏi bệnh hoàn toàn. Với liệu trình chuyên sâu có giá 2.600.000 đồng, sẽ chấm dứt bệnh lý và tiêu diệt hoàn toàn, không tái phát vi khuẩn HP”.

Người này cũng lý giải rằng: “Giá thuốc này là do Bộ Y tế quy định, còn việc gọi đây là TPCN vì Bộ Y tế quy định “thuốc” có thành phyanaf thảo dược thì phải gọi như vậy. Chứ đây hoàn toàn là thuốc chữa bệnh”.

Để tìm hiểu rõ về sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vitos, PV đã tìm đến địa chỉ Công ty CP Y Dược Lis, tại số 5 ngõ 2 Cầu Đơ 1, phường Hà Cầu (Hà Đông, Hà Nội). Tuy nhiên, tại địa chỉ này không có Công ty CP Y Dược Lis hoạt động.

Cũng theo hướng dẫn từ số Hotline nêu trên, thì PV cứ đến phòng khám Phụ Tử Đường (số 5, ngõ 102 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội) sẽ có người hỗ trợ, tư vấn. Tuy nhiên, đại diện phòng khám Phụ Tử Đường là ông Lê Đình Hùng – Phụ trách chuyên môn lại cho biết, chưa bao giờ liên quan tới Công ty Cổ phần Y dược Lis và sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vitos.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vitos được quảng cáo như thuốc chữa bệnh? - Hình 3

Đại diện phòng khám Phụ Tử Đường (số 5, ngõ 102 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội) khẳng định: Không liên quan tới Công ty Cổ phần Y dược Lis và sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vitos

Để làm rõ nguồn gốc sản phẩm, PV đã tìm đến xưởng sản xuất (ghi tại Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 7479/2018/ĐKSP, do Cục ATTP - Bộ Y tế cấp) tại thôn Thượng, xã Bích Hòa (Thanh Oai, Hà Nội). Tuy nhiên, xưởng sản xuất này cũng trong tình trạng khóa trái cửa, không có dấu hiệu hoạt động.

Trao đổi qua điện thoại, đại diện phía Công ty SMARD cho biết: “Bên phía Công ty CP Y Dược Lis đặt hàng gia công tại Công ty chúng tôi”. Khi được hỏi về các giấy tờ liên quan đến việc sản xuất sản phẩm, thì đại diện công ty này từ chối không cung cấp.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vitos được quảng cáo như thuốc chữa bệnh? - Hình 4

Xưởng sản xuất – địa điểm kinh doanh Công ty TNHH Dược phẩm SMARD tại Thôn Thượng, xã Bích Hòa (Thanh Oai, Hà Nội) luôn trong tình trạng khóa trái cửa

Trước đó, tháng 10/2017 Công ty TNHH Dược phẩm SMARD từng bị Cục ATTP xử phạt 25.000.000 đồng, vì hành vi: Không duy trì việc kiểm soát chất lượng theo quy định trong quá trình sản xuất lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Baby Mamy (số lô: 010417, NSX:260417, HSD:260420).

Trước những thông tin nêu trên, để tránh việc quảng cáo “thổi phồng” công dụng của TPCN như thuốc chữa bệnh, vi phạm những quy định của pháp luật, khiến người tiêu dùng hiểu lầm…, đề nghị Bộ Y tế, Cục ATTP và các cơ quan chức năng liên quan cần sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ.

Khoản 15 Điều 6 Luật Dược quy định:

“Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Điều 23, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm quy định quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm nêu rõ:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật;

b) Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật.

Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”.

Diễm Lệ - Việt Trinh