Sao Ta cán mốc doanh số ấn tượng, vượt 9% kế hoạch năm sau 11 tháng
Sao Ta cán mốc doanh số ấn tượng, vượt 9% kế hoạch năm sau 11 tháng (Ảnh: internet)

Theo đó, sản lượng tôm thành phẩm đạt 1.497 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nông sản thành phẩm chỉ đạt 42 tấn, giảm sâu 59% so với cùng kỳ. Trong tiêu thụ, sản lượng tôm thành phẩm bán ra đạt 1.648 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ, trong khi nông sản thành phẩm tiếp tục giảm 16%, chỉ đạt 95 tấn.

Doanh số chung tháng 11 đạt 18,38 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ, mức tăng này thấp hơn so với tháng 9 (tăng 48%) và tháng 10 (tăng 26%), nhưng lũy kế 11 tháng Sao Ta đã thu về 228 triệu USD, vượt 8,7% kế hoạch năm (210 triệu USD). Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 11 tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, dự kiến đạt mốc 4 tỷ USD cả năm.

Sao Ta tiếp tục tập trung vào thị trường Nhật Bản và đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chế biến sâu. Sao Ta đã hoàn tất thả giống tại khu mới (203 ha) và dự kiến hoàn thành thả giống tại khu cũ (322 ha) vào ngày 20/12. FMC đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 320 tỷ đồng, tăng 5,2% so với năm 2023.

Ngày 22/10, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả chính thức điều tra thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với tôm nước ấm đông lạnh từ nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam. Theo đó, FMC cũng bị áp mức thuế CVD 2,84% và doanh nghiệp đã chủ động trích lập 23 tỷ đồng dự phòng cho khoản thuế này trong 9 tháng đầu năm.

Sao Ta chia sẻ, nếu ITC cho rằng mức hưởng lợi từ trợ cấp làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ngành tôm Hoa Kỳ, thì mức thuế 2,84% sẽ là một rào cản đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam. Nếu vụ kiện bị hủy bỏ, Sao Ta có thể thu hồi ít nhất 40 tỷ đồng từ khoản dự phòng, góp phần tích cực vào mục tiêu kinh doanh năm 2024.

P V(t/h)