Bộ trưởng Công thương và đoàn công tác của Việt Nam làm việc với Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE.
Bộ trưởng Công thương và đoàn công tác của Việt Nam làm việc với Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tiếp xúc giữa Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Tiến sĩ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 tại UAE.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE khẳng định, 02 bên thống nhất các cấp kỹ thuật để đẩy nhanh tiến độ công việc giúp cho Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA) sớm hoàn tất đàm phán và ký kết.

FTA giữa Việt Nam và UAE được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các cơ hội hợp tác về đầu tư, thương mại, phát huy tối đa tiềm năng của quan hệ song phương.

Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam đàm phán với một nước ở khu vực Trung Đông và châu Phi, là bước khởi đầu cho việc thúc đẩy quan hệ không những với UAE mà còn cả khu vực.

Liên quan tới thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, năng lượng song phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị 02 bên tăng cường hợp tác đầu tư trong lĩnh vực xăng dầu, khí đốt và năng lượng tái tạo, công nghiệp hóa chất...

"UAE mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời thông báo việc Tổng thống UAE dự kiến sẽ sang thăm chính thức Việt Nam vào giữa năm 2024 và mong muốn hai Bên ký CEPA nhân dịp này", Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE, Thani bin Ahmed Al Zeyoudi bày tỏ.

Nếu FTA với UAE được ký kết trong nửa đầu năm 2024, sẽ nâng tổng số FTA đã ký kết và có hiệu lực của Việt Nam lên con số 17.

Gần nhất, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) đã được ký kết vào ngày 25/07/2023. Hiệp định này đang chờ 02 bên phê chuẩn để đưa vào thực thi.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, UAE hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á. Trong giai đoạn 2018-2022, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước bình quân đạt khoảng 5 tỷ USD/năm. Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn khoảng 3-4 tỷ USD/năm.

Năm 2023, tổng trao đổi thương mại hai chiều đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2022; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 4,3% và nhập khẩu đạt trên 676 triệu USD, tăng 16%.

Hà Trần (t/h)