Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hàng nghìn loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nông dân dùng hàng trăm tấn thuốc mỗi năm. Việc sử dụng quá nhiều thuốc BVTV đang là con dao hai lưỡi đối với cây trồng, cũng như sức khỏe của người dân.

“Ma trận” thuốc BVTV

Với diện tích đất nông nghiệp lớn, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang vào vụ lúa, rau màu, cây cảnh... nên nhu cầu sử dụng thuốc BVTV tăng cao. Mỗi năm, nông dân dùng hàng trăm tấn thuốc BVTV. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều hãng sản xuất thuốc BVTV liên tục cho ra đời sản phẩm mới.

Hiện nay, trên toàn tỉnh có 436 hộ kinh doanh thuốc BVTV, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận buôn bán tại 295 cửa hàng. Những cửa hàng này có hàng nghìn loại thuốc đang lưu hành.

Đi thực tế cùng bà con nông dân tại thôn Ghép, xã Xương Giang (Lạng Giang), gặp chị Nguyễn Thị Thanh, người làm ruộng cho biết: “Cứ cấy xong khoảng 5 - 7 ngày thì tôi bắt đầu dùng thuốc diệt cỏ trộn với phân đạm hoặc phân lân rồi rắc đều để diệt cỏ và diệt ốc bươu vàng. Dùng pha đúng liều lượng, chỉ cần mua khoảng 10.000 - 12.000 đồng/gói là ruộng sạch, không còn tý cỏ hay một con ốc nào hết”.


Việc quản lý thuốc BVTV còn nhiều bất cập

Không chỉ gia đình chị Thanh, mà rất nhiều người trong thôn dùng loại thuốc cực mạnh để diệt trừ cỏ và ốc bảo vệ mùa màng.

Bà Nguyễn Thị Dung, xã Việt Tiến (Việt Yên) cho biết: “Thấy rau bắp cải và su hào có sâu xanh, sâu tơ phá hại. Tôi ra đại lý mua thuốc BVTV loại siêu mạnh về phun, sang ngày hôm sau hết sâu, rau xanh mơn mởn tốt lên trông thấy. Thấy rau mơn mởn, tăng trưởng mạnh, gia đình tôi không dám ăn loại rau phun thuốc đó”.

Để tìm hiểu “ma trận” thuốc BVTV, chúng tôi tìm và hỏi mua tại một số cửa hàng ở TP. Bắc Giang, một chủ đại lý tiêu thụ sản phẩm cho biết: “Cửa hàng tôi có hàng trăm mặt hàng thuốc BVTV, anh mua loại nào cũng có”. Sau đó, anh ta giới thiệu nào thuốc siêu diệt cỏ, thuốc trừ sâu, nào thuốc kích thích tăng trưởng... loại nào cũng mạnh nhất mà giá chỉ khoảng 10.000 đồng/gói, mua nhiều còn được khuyến mại.

Ảnh hướng lớn tới sức khỏe

Theo GS. TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thì, cuối năm 2013 tiếp nhận 9 bệnh nhân (sinh sống tại Bắc Giang) bị xuất huyết chảy máu bất thường như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chảy máu vết xước không đông... chưa rõ nguyên nhân. GS. Trí nghi ngờ, các bệnh nhân này đã ăn hoặc tiếp xúc phải một loại chất độc nào đó.

Theo một báo cáo của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương ghi nhận một số điểm lưu ý trong quá trình kiểm tra ban đầu nơi ở của gia đình 2 người (trong 9 người bệnh kể trên) làm nghề trồng cây cảnh, đã sử dụng khá nhiều thuốc BVTV kích thích sinh trưởng cho cây.

Trao đổi với phóng viên Thương hiệu & Công luận xung quanh vấn đề thị trường và sử dụng thuốc BVTV, ông Dương Văn Lợi, Phó chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang cho biết: “Hiện nay, các đại lý trên địa bàn cung cấp khoảng  4.000 loại (nhiều loại có cùng hoạt chất) thuốc BVTV. Qua kiểm tra 200 hộ dân, có 44 hộ không đảm bảo thời gian cách ly cho thuốc, 15 hộ sử dụng không đúng loại thuốc dùng cho cây rau, 650 cửa hàng bán thuốc BVTV mắc 25 lỗi vi phạm… Chi cục và Thanh tra Sở NN&PTNT đã phạt 2/8 mẫu thuốc BVTV không đạt chất lượng khi đi phân tích”.

Từ thực tế đó, ông Lợi thẳng thắn cho rằng, UBND cấp xã cần tăng cường quản lý việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV tại địa bàn; phối hợp với các cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng thuốc có hiệu quả, quy định điểm thu gom bao bì thuốc sau khi sử dụng…

Tổng cục Môi trường cho biết, hiện cả nước có 1.153 điểm ô nhiễm hóa chất thuốc BVTV tồn dư trên địa bàn tỉnh, thành phố. Từ năm 2011 – 2013, các địa phương đã điều tra khảo sát phát hiện thêm 383 điểm bị ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu, điển hình như Hà Tĩnh 154 điểm, Quảng Bình 80 điểm...

Xuân Hồng