CTCP Thuận Đức (Mã TDP) được thành lập vào ngày 22/01/2007 tại Hưng Yên bởi doanh nhân Nguyễn Đức Cường, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ polypropylene, nổi bật là hạt nhựa tái chế và bao bì PP.
Phát hành 413 tỷ đồng để trả nợ…
Mới đây, Thuận Đức đã công bố thông tin được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông qua 02 phương án huy động vốn từ kênh phát hành cổ phiếu và trái phiếu. Theo đó, Thuận Đức sẽ chào bán 7,55 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 10:1.
Dự kiến giá chào bán là 15.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn một nửa so với thị giá tại ngày 17/01/2023. Nếu phát hành thành công, công ty sẽ thu về 113,29 tỷ đồng. Số tiền thu được từ việc phát hành cổ phiếu sẽ được Thuận Đức sử dụng để thanh toán một số khoản vay ngắn hạn đến hạn. Thời gian đăng ký và mua cổ phiếu được dự kiến diễn ra trong quý I/2023.
Bên cạnh việc phát hành cổ phiếu, Thuận Đức cũng được UBCKNN chấp thuận kế hoạch chào bán trái phiếu nhằm tái cơ cấu nợ vay ngắn hạn. Dự kiến Thuận Đức sẽ phát hành 3 triệu trái phiếu ra công chúng với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Tổng số tiền thu về khoảng 300 tỷ đồng sẽ được Thuận Đức sử dụng để tái cơ cấu nguồn vốn, trả các khoản nợ ngắn hạn và tăng các khoản nợ dài hạn.
Chi phí lãi vay gia tăng, lợi nhuận công ty bị bào mòn
Về vức tranh tài chính, trong quý III/2023, Thuận Đức ghi nhận doanh thu thuần 1.028,4 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí giá vốn tăng cao khiến cho lợi nhuận gộp sụt giảm 13,4% xuống chỉ còn 88,3 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính không biến động quá nhiều, vẫn đang chiếm 18,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại có sự gia tăng, từ 40,4 tỷ lên gần 57 tỷ đồng, tương ứng mức tăng tới 41% so với cùng kỳ. Phần tăng chủ yếu đến từ chi phí lãi vay, chiếm 50,7 tỷ đồng, cho thấy việc trả lãi vay đang thực sự là vấn đề đối với Thuận Đức.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm, lần lượt chiếm 12,8 tỷ và 15,5 tỷ đồng. Thế nhưng, do chi phí lãi vay cùng chi phí giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế của Thuận Đức bị bào mòn đáng kể, chỉ còn 10,9 tỷ đồng, giảm 59,3% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, tình trạng sụt giảm lợi nhuận của Thuận Đức đã diễn ra trong suốt 4 quý gần đây, tính từ quý IV/2022. Một phần nguyên nhân đến từ chi phí lãi vay gia tăng khiến lợi nhuận công ty bị bào mòn đáng kể.
1 đồng vốn chủ sở hữu nợ tới 3 đồng
Về cơ cấu nợ của Thuận Đức, Công ty đang hoạt động chủ yếu dựa vào nợ vay. Tại cuối quý III/2023, nợ phải trả của doanh nghiệp chiếm 2.837,8 tỷ đồng, chiếm 77,2% tổng nguồn vốn. Điều này tương đương Thuận Đức dùng 1 đồng vốn chủ sở hữu thì nợ tới 3 đồng.
Trong cơ cấu nợ phải trả, nợ vay ngắn hạn chiếm 2.241,9 tỷ đồng. Cần phải lưu ý rằng vốn chủ sở hữu chỉ có 839,9 tỷ đồng và nợ vay ngắn hạn đang cao gấp 2,7 lần so với vốn chủ. Ngoài ra, công ty cũng đang vay dài hạn 212,1 tỷ đồng.
Áp lực từ các khoản nợ cũng được thể hiện qua báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Thuận Đức. Tại cuối quý III/2023, công ty đang âm 171,4 tỷ đồng tiền mặt từ hoạt động kinh doanh. Trong đó tiền chi trả lãi vay chiếm tới 166,2 tỷ đồng, tăng tới 42,3% so với cùng kỳ.
Về dòng tiền, lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính dương 181,9 tỷ đồng do công ty đang phải tăng cường vay nợ để bù đắp cho lượng tiền thiếu hụt từ hoạt động kinh doanh.
Như vậy, với áp lực trả nợ vay ngày càng gia tăng, liệu phương án phát hành 413 tỷ cổ phiếu và trái phiếu mới của Thuận Đức có phải là cứu cánh cho doanh nghiệp hay sẽ lại nợ chồng thêm nợ?
Minh An(t/h)