Với lợi thế có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng (toàn tỉnh có hơn 1.000 di tích, trong đó có nhiều di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia), Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Cùng với Khu danh thắng Tây Thiên, nhiều di tích tín ngưỡng, lịch sử, văn hóa khác trên địa bàn năm nay cũng thu hút một lượng lớn khách thập phương tới tham quan, chiêm bái như Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, huyện Sông Lô; Thiền viện Trúc lâm An Tâm, huyện Tam Đảo; chùa Hà, thành phố Vĩnh Yên; đền Thính, chùa Biện Sơn, huyện Yên Lạc…
Nhiều du khách rất hài lòng với cách thức tổ chức, vận hành, phục vụ tại các điểm di tích cũng như điều kiện giao thông, tình hình an ninh trật tự tại các khu di tích, đền chùa.
Anh Nguyễn Văn Thuỵ (Ninh Giang- Hải Dương), du khách chiêm bái, thăm quan chùa Biện Sơn cho biết: “Nhân dịp những ngày đầu năm, anh cùng gia đình có đi lễ chùa cầu an, trên cả nước có nhiều di tích nổi tiếng nhưng gia đình anh chọn đi chùa Biện Sơn( Yên Lạc) và nghỉ dưỡng tại Sông hồng thủ đô( Vĩnh Yên) vì giao thông khá thuận tiện, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, các dịch vụ đều rất tốt”.
Hàng năm, Vĩnh Phúc đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, vãn cảnh và du Xuân tại các di tích lịch sử văn hóa, đền, chùa... Không chỉ đón các du khách tới dâng hương, chiêm bái, các điểm du lịch tâm linh còn góp phần thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ khác phục vụ nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của du khách khi dừng chân tại Vĩnh Phúc.
Thời gian qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm phát triển du lịch nói chung và du lịch văn hóa tâm linh nói riêng với việc đầu tư phát triển, thường xuyên bảo trì, nâng cấp mạng lưới giao thông kết nối các khu, điểm du lịch; quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, phát triển khu, điểm du lịch. Đồng thời, Vĩnh Phúc chú trọng công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản để tận dụng lợi thế phát triển hoạt động du lịch văn hóa tâm linh.
Tuy nhiên, đến nay nhiều di tích mới chỉ làm tốt công tác bảo tồn đơn thuần mà chưa khai thác, quảng bá được đặc trưng, giá trị về văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng… để phát triển du lịch; nhiều điểm còn thiếu các dịch vụ phục vụ du lịch như bãi đỗ xe, khu vực mua sắm, phục vụ ăn uống, nơi lưu trú. Ngoài những khu, điểm du lịch đã nổi tiếng, Vĩnh Phúc vẫn còn rất nhiều di tích có giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt chưa được khai thác đúng mức như Cụm đình Hương Canh, huyện Bình Xuyên; đình Thổ Tang, đền đá Phú Đa, huyện Vĩnh Tường; tháp Bình Sơn, huyện Sông Lô… Các di tích này đều là các sản phẩm kết tinh giá trị văn hóa, nhân văn, mang đậm sắc thái riêng biệt của đất và người Vĩnh Phúc.
Để phát huy lợi thế, khai thác tối đa hiệu quả các di tích trên địa bàn tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự phát triển đồng bộ các loại hình du lịch tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng, gắn du lịch tâm linh với các hoạt động khám phá các giá trị văn hóa, nghệ thuật… để thu hút và giữ chân du khách; đồng thời, cần chú trọng đầu tư các dịch vụ phục vụ du lịch cũng như xây dựng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc trưng, tăng cường quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch văn hóa tâm linh.
Với nhiều tiềm năng và lợi thế, mong rằng, thời gian tới, loại hình du lịch văn hóa tâm linh sẽ tiếp tục được quan tâm, đầu tư đúng mức, góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch tỉnh, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời, quảng bá, lan tỏa truyền thống văn hóa lâu đời, những hình ảnh đẹp về đất và người Vĩnh Phúc đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Đức Nam