Trung tâm y tế huyện Tân Phước
Sự việc xảy ra vào ngày 9/3. Chị Huỳnh Thị Cúc (32 tuổi) là công nhân ngụ tại KCN Tân Hương (ấp Tân Hưng Đông, xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước), có thai gần 2 tháng, được chồng đưa đến Trung tâm y tế huyện Tân Phước khám thai và được bác sĩ kê toa thuốc về nhà uống dưỡng thai, trong đó có 10 hộp Misoprostol 200 mcg mỗi hộp 2 viên.
Đến tối cùng ngày, sau khi uống 2 viên thuốc khoảng 1 tiếng, chị Cúc bị ra huyết nên gia đình đưa trở lại Trung tâm y tế. Bác sĩ bảo nằm theo dõi và không cho chuyển viện.
Do nóng ruột nên gia đình đã chuyển chị Cúc xuống Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang. Tại đây các bác sĩ cho biết thuốc mà chị Cúc uống là thuốc phá thai. Thai nhi chết nên chị Cúc phải nằm điều trị tại bệnh viện thêm 6 ngày.
Cũng giống như chị Cúc, chiều ngày 9/3, chị Mai Bích Ngân (25 tuổi) ngụ xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước cũng đến Trung tâm y tế huyện Tân Phước khám thai và được cấp thuốc về nhà uống. Sau khi uống 2 viên thuốc, chị Ngân cũng bị ra huyết. Kiểm tra thì không thấy ghi thuốc an thai, dưỡng thai nên gia đình cầm thuốc xuống TP. Mỹ Tho nhờ bác sĩ xem thì mới biết là thuốc phá thai. Cũng may là chị Ngân nhập viện được điều trị kịp thời nên giữ được thai.
Ngoài 2 trường hợp trên thì còn 1 thai phụ khác cũng được cấp thuốc phá thai nhưng may mắn người này chưa uống thì được Trung tâm y tế thu hồi.
Theo lý giải của BS Lê Văn Đức, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tân Phước, do trong quá trình lãnh thuốc, cấp thuốc có sai sót về chuyên môn chút ít, có nhầm lẫn vì 2 tên thuốc dưỡng thai và phá thai có tên gần giống nhau. Trung tâm đều có cử người tới nhà các thai phụ thăm hỏi, động viên, nhận sai sót. Sau đó trung tâm có tổ chức họp chuyên môn để kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những người có liên quan, đồng thời điều chỉnh lại quy chế ra toa thuốc.
Bác sĩ Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang cho biết, lãnh đạo Sở Y tế đã có cuộc họp xác định nguyên nhân và trách nhiệm của nhân viên y tế ở Trung tâm y tế huyện Tân Phước vì đã phát nhầm thuốc phá thai cho thai phụ. Theo bác sĩ Thảo, nguyên nhân dẫn tới việc phát nhầm thuốc là do nhân viên thiếu kiểm tra đối chiếu khi cấp phát thuốc, trong khi 2 tên thuốc dưỡng thai và phá thai này na ná nhau, nên xảy ra sự cố.
Dự kiến trong ngày hôm nay, Sở Y tế Tiền Giang sẽ có thông cáo báo chí về vụ việc và hướng xử lý.
Các dược sĩ cho biết, thuốc Misoprostol phối hợp với Omerazol, Spasma, Phosphalugel... dùng để điều trị viêm loét dạ dày tá tràng. Ngoài ra, Misoprostol còn được dùng để chấm dứt thai kỳ (bỏ thai), khi kết hợp một phác đồ 2 viên.
Theo An Nhiên (Infonet