Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo đó, các mục tiêu cụ thể của Kế hoạch gồm: Về nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhà nước về ATTP từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn có 95% cán bộ làm công tác quản lý, thanh tra ATTP tại tuyến tỉnh được bồi dưỡng và nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ; 95% cán bộ làm công tác quản lý, thanh tra ATTP tại tuyến cơ sở (huyện/thành/thị, xã/phường/thị trấn) được bồi dưỡng, nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức về ATTP.

80% người sản xuất, chế biến, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng và người quản lý được cập nhật kiến thức về ATTP; 100% cán bộ quản lý về ATTP tuyến tỉnh, huyện được cập nhật văn bản và kiến thức về ATTP (tuyến xã không có cán bộ chuyên quản lý ATTP mà chủ yếu là kiêm nhiệm nên không đưa vào chỉ tiêu); 100% số xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền về ATTP.

Trên 85% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu về ATTP. Ít nhất 80% cơ sở dịch vụ ăn uống thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; Giảm số vụ ngộ độc thực phẩm và số người mắc; Giám sát, kiểm soát các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đối với các thực phẩm lưu thông trên thị trường.

Các vùng nuôi thủy sản chủ lực, vùng trồng rau và vùng chăn nuôi tập trung được giám sát dư lượng các chất độc hại, trong đó: Tiếp tục duy trì các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và phát triển, xây dựng ít nhất 10 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại A/B tăng lên 90%, tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng ít nhất 10% so với năm 2023. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản giám sát trên diện rộng vi phạm qui định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh chiếm tỉ lệ dưới 6% so với tổng mẫu giám sát.

Do đó, Ban Chỉ đạo về ATTP tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương tập trung vào các nội dung hoạt động như: Nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhà nước về ATTP từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn đủ năng lực quản lý và kiểm soát ATTP.

Tổ chức thanh tra liên ngành các tuyến đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn trong các đợt cao điểm: Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu; kiểm tra định kỳ, đột xuất và song song đó tiến hành các kiểm tra nhanh.

Tăng cường tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP) thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, tổ chức hội nghị, hội thảo về phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho cán bộ làm công tác ATTP; điều tra giám sát ngộ độc thực phẩm; cảnh báo và xử lý các sự cố về ATTP, kiểm soát ATTP tại các cơ sở dịch vụ ăn và thức ăn đường phố.

Giám sát, kiểm soát các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đối với thực phẩm lưu thông trên thị trường; các vùng nuôi thủy sản chủ lực, vùng trồng rau và vùng chăn nuôi tập trung được giám sát dư lượng các chất độc hại.

Tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm; loại trừ, xử lý hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, các gian lận thương mại, nhập lậu.

Yến Linh (t/h)