Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm - Hình 1

Ông Trần Văn Chung, PGD Sở y tế phát biểu trong buổi giao ban báo chí

ThS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: "trên địa bàn thành phố có trên 66.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó xã, phường quản lý 56% cơ sở, quận huyện quản lý 40% và 4% do thành phố quản lý". Trong năm 2017, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo quyết liệt, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Duy trì phối hợp cam kết với các tỉnh lân cận về kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm nhập về Hà Nội, về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Sở Y tế - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, Sở Giáo dục và Đào tạo trong quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể. Công tác truyền thông về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh với sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông đại chúng và phương pháp truyền thông cũng có nhiều đổi mới thu hút được sự quan tâm của các nhà quản lý và người dân. Các cuộc hội thảo: Đưa thực phẩm sạch đến người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội; chia sẻ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; vai trò của chính quyền cơ sở trong quản lý an toàn thực phẩm; tọa đàm trực tuyến về thực trạng và giải pháp quản lý an toàn thực phẩm; chuyên trang, chuyên mục: Chung tay vì an toàn thực phẩm, không thỏa hiệp với thực phẩm bẩn đã được cơ quan quản lý phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức hiệu quả. Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức thành công hội thi Bếp ăn tập thể an toàn thực phẩm và hội thi Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố an toàn thực phẩm.

Cùng với tuyên truyền, công tác thanh kiểm tra được Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm thành phố đẩy mạnh, nhập là trong dịp tết, lễ hội và đợt cao điểm. Trong năm 2017, toàn thành phố đã kiểm tra được 111.166 lượt cơ sở, phát hiện 26.310 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, phạt tiền 7221 cơ sở với số tiền phạt trên 38 tỷ đồng. 3 xe kiểm nghiệm nhanh chuyên dụng về an toàn thực phẩm đã phát huy hiệu quả tích cực trong các đợt thanh kiểm tra, trong năm 2017 đã xét nghiệm 1101 mẫu, phát hiện 85 mẫu dương tính, giúp cho việc xử lý của các đoàn kiểm tra được kịp thời. Ngoài lực lượng chuyên ngành, lãnh đạo các quận, huyện mà trực tiếp là chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND quận, huyện, xã phường làm trưởng các đoàn kiểm tra đã cho thấy sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. Sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương từ lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, thanh kiểm tra đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm không những của cơ sở sản xuất, kinh doanh mà cả người tiêu dùng.

Toàn thành phố đã thực hiện tốt các chương trình, mô hình điểm về an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát, kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người, mô hình cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm. Duy trì 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, phối hợp với các tỉnh, thành trong cả nước quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi như: Chuỗi sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap của tỉnh Hòa Bình, hệ thống cửa hàng, siêu thị Biggreen, Fivimart của tỉnh Sơn La, chuỗi thịt gà DaBaCo Bắc Ninh. Triển khai 25 điểm kinh doanh thực phẩm tươi sống an toàn thực phẩm có kiểm soát.

ThS Trần Văn Chung cũng cho biết thêm, trong năm 2017, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố ghi nhận có nhiều nội dung hoạt động tiêu biểu như UBND TP đã triển khai thực hiện kế hoạch 119/KH-UBND ngày 1/6/2017 về khắc phục các hạn chế, yếu kém; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; Chủ tịch UBND TP ban hành Bộ tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, xã phường và cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm; triển khai đề án Thí điểm quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành và đến thời điểm này đã có 112 cửa hàng được gắn biển nhận diện. Triển khai thực hiện chương trình Bữa ăn an toàn và xây dựng trang thương mại điện tử buaanantoan.vn. Đã có 15 thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm được giải quyết bằng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4.

Tuy vậy, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng vì liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người do vậy không thể lơ là. Chính vì vậy, Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm thành phố đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện trong năm 2018. Trước hết là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm; kế hoạch cảnh báo nhanh sự cố về an toàn thực phẩm trên toàn thành phố. Trong công tác tuyên truyền phải thông tin kịp thời về thực trạng an toàn thực phẩm, hướng dẫn quy trình kỹ thuật tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; công khai các cơ sở vi phạm trên truyền thông đại chúng; tổ chức các chiến dịch truyền thông sâu rộng để nâng cao ý thức của toàn xã hội về an toàn thực phẩm.

Để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm sẽ thực hiện dịch vụ công trực tuyến giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định về an toàn thực phẩm cấp độ 3, 4. Xây dựng, thực hiện phần mềm tích hợp dữ liệu quản lý cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm trên toàn thành phố.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, tổ chức lấy mẫu giám sát, cảnh báo và điều tra, truy xuất, xử lý tận gốc với sản phẩm, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Trong quá trình thanh kiểm tra, sử dụng hiệu quả 5 xe kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, cơ sở dịch vụ ăn uống, tập trung làm các xét nghiệm nhanh về dư lượng hóa chất trong thực phẩm để sàng lọc, hạn chế thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường.

Toàn thành phố sẽ xây dựng 6 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo an toàn thực phẩm có kiểm soát; quản lý bữa cỗ tập trung đông người ở 80 xã, phường thuộc 10 quận, huyện; nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm của 5 trường tiểu học. Cùng với đó là tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn; phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Với đề án thí điểm quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành sẽ hoàn thành việc cấp biển nhận diện cho khoảng 900 cửa hàng vào cuối tháng 11/2018. Đồng thời, quản lý tốt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, hiện thành phố có 967 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và thành phố đặt ra chỉ tiêu giảm 10% điểm giết mổ nhỏ lẻ và dần tiến tới xóa bỏ các điểm giết mổ này. Thành phố cũng tăng cường kiểm tra các chợ cóc, chợ tạm, siêu thị, giảm các chợ cóc, chợ tạm và tiến tới xóa bỏ chợ tạm, chợ cóc.

Phát biểu tại buổi giao ban báo chí, đồng chí Trần Xuân Hà, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy khẳng định báo chí truyền thông có vai trò hết sức quan trọng đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Chính vì vậy, các nhà báo, các cơ quan báo chí tiếp tục thông tin, tuyên truyền về các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm, vị trí, vai trò của an toàn thực phẩm với sức khỏe con người để nâng cao ý thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương của nhà sản xuất, kinh doanh và của cả người tiêu dùng. Bên cạnh việc biểu dương những điển hình về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cần mạnh dạn phê phán những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, vi phạm pháp luật để tạo dư luận tích cực đấu tranh với thực phẩm bẩn, tẩy chay thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn.

Linh Tuệ (Sở Y tế Hà Nội)