Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cơ sở vật chất, tăng cường đào tạo, chuyển giao công nghệ và đẩy mạnh tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế là một trong những nội dung được quan tâm chú trọng trong Chiến lược cải cách hiện đại hóa ngành Thuế, Hải quan đến năm 2030.

Bên cạnh đó, để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, hàng năm các nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Tài chính giao cho Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan thực hiện khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung giao phát sinh đột xuất cần phải thực hiện ngay. Nếu ngành Thuế, Hải quan không được quy định nguồn lực tài chính từ NSNN, chủ động bố trí kinh phí hiện đại hóa, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số... kịp thời sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở dữ liệu của người nộp thuế, dữ liệu hóa đơn điện tử.

Do vậy, một trong những chính sách sẽ được dự thảo sửa đổi, bổ sung đó là hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử để tổ chức các biện pháp quản lý thực hiện nghĩa vụ về hóa đơn, chứng từ.

Để đạt được các chính sách này, dự thảo sẽ tập trung vào bổ sung quy định Khoản 1 Điều 11 về hiện đại hóa công tác quản lý thuế theo hướng đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, quy định về hóa đơn điện tử, sử dụng cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử để tổ chức các biện pháp quản lý việc thực hiện nghĩa vụ về hóa đơn, chứng từ.

Cụ thể, bổ sung nội dung tại Khoản 1 Điều 11 Luật Quản lý Thuế quy định nguyên tắc: nguồn lực bố trí từ NSNN không quá 1% trên dự toán thu được Quốc hội giao hàng năm; Chính phủ quy định, hướng dẫn chi tiết khoản này để thực hiện phù hợp với quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công... hiện hành.

Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung quy định này không phải là cơ chế tài chính đặc thù mới mà đây là quy định để bảo đảm nguồn lực cho thực hiện hiện đại hóa ngành Thuế, ngành Hải quan phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ để thực hiện nhiệm vụ, nguồn thu NSNN hàng năm được Quốc hội giao. Việc lập dự toán, phân bổ, chấp hành, quyết toán hàng năm, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan bảo đảm theo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... nên không chồng chéo với các luật hiện hành.

Đồng thời, việc xây dựng dự toán hằng năm cho hiện đại hóa phải phù hợp với nhu cầu thực tế, khả năng thực hiện và giải ngân để bảo đảm không được vượt quá mức đã quy định; không để tình trạng chuyển nguồn không đúng quy định, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Việc chi hiện đại hóa công tác quản lý thuế được thực hiện trên cơ sở trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ mới được liên tục cập nhật (việc hiện đại hóa không phải chỉ để cho nội bộ ngành thuế, hải quan thụ hưởng). Mục tiêu chủ yếu là để phục vụ người người dân, doanh nghiệp, các tổ chức có liên quan được nhanh chóng, thuận lợi, an toàn, bảo mật, tránh tác động chủ quan từ công chức thuế, hải quan...

Việc chi hiện đại hóa công tác quản lý thuế góp phần đảm bảo thực hiện thu NSNN theo dự toán thu NSNN được Quốc hội giao, bảo đảm thực hiện chính sách tài khóa, ổn định kinh tế vĩ mô theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thủy Hương(Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/)