Tiki “vừa mừng vừa lo” 

Ngành thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng phát triển cực kỳ to lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh 25-30%/năm đồng nghĩa với việc đó là một cuộc cạnh tranh không khoan nhượng.

Trước khả năng tài chính mạnh mẽ của những tập đoàn đa quốc gia như Shopee và Lazada, đã có ít nhiều lo ngại cho các sàn thương mại điện tử nội địa.

So với các sàn còn lại, Tiki đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhất. Giống với quý trước, mức truy cập vào trang web tiki.vn trung bình trên 35 triệu lượt, đứng thứ hai toàn quốc. Lượng truy cập vào Tiki bất ngờ cao hơn cả “ngoại binh” Lazada và chỉ cách người đứng đầu là Shopee một khoảng cách hẹp.

Tiki cũng đồng thời đạt mức tăng trưởng về lượng truy cập lên đến 23% bình quân mỗi quý tính từ quý 2 năm 2018 đến nay. Những dấu hiệu này đều chứng tỏ cho quyết tâm cao cộng với hướng đi đúng đắn của Tiki trong thời gian gần đây, sau khi nhận đầu tư từ tập đoàn JD vào đầu năm 2018.

Tiki đang chịu lỗ lớnTiki đang chịu lỗ lớn

Nhưng đằng sau đó cũng là những khoản tiền khổng lồ được tung ra để dành thị phần của Tiki, trong năm 2017, Tiki từng công bố lỗ vốn gấp 3 lần vốn điều lệ. Theo đó, khoản lỗ mà Tiki ghi nhận trong năm 2017 đạt hơn 282 tỷ đồng, gấp gần 3 lần vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Trước đó năm 2016, Tiki cũng báo lỗ hơn 40 tỷ đồng. Tổng cộng hai năm kể từ khi nhận khoản đầu tư của VNG, Tiki báo lỗ hơn 320 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính bán niên 2019 do Vinagame công bố mới đây đã hé lộ, toàn bộ số tiền đầu tư hơn 500 tỉ đồng của công ty này vào Tiki đã được đốt sạch.

Tuy nhiên, Vinagame cũng nhấn mạnh đang nắm giữ 24,6% quyền sở hữu Tiki. Việc Tiki thua lỗ không có gì quá lạ vì hầu hết các nền tảng thương mại điện tử Việt Nam đang trong giai đoạn đốt tiền để giành thị phần và đầu tư hạ tầng logistics.

Theo Deal Street Asia, chỉ riêng trong năm 2018, sau khi được đầu tư thêm vốn từ Vinagame và JD.com, mức lỗ của Tiki đã tăng gấp ba lần lên hơn 750 tỉ đồng. Và trong ba năm gần đây, công ty đã lỗ lũy kế tổng cộng hơn 1.000 tỉ đồng.

Ông Trần Thái Sơn, Giám đốc điều hành Tiki trả lời phỏng vấn Deal Street Asia cho biết các khoản lỗ chủ yếu đến từ khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các trung tâm vận hành của công ty. Hiện Tiki đang sở hữu hơn 30.000 m2 trung tâm vận hành và dự kiến sẽ đạt 100.000 m2 trong vòng từ sáu đến tám tháng tới.

Tuy nhiên, Tiki cũng đang rất lạc quan về triển vọng phát triển của mình khi đã vươn lên nhóm đầu các trang thương mại điện tử, vượt qua cả ông lớn Alibaba. Mặt khác, Tiki đang có những tín hiệu tích cực về khả năng gọi thêm 100 triệu USD từ một quỹ đầu tư Hàn Quốc.

Báo cáo của Google-Temasek năm 2018, thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép 35% trong giai đoạn 2015-2018 và có giá trị 2,8 tỉ USD (chỉ tính giá trị của kênh Doanh nghiệp tới người tiêu dùng-B2C). Còn theo Bộ Công thương, tính trên quy mô toàn thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt mức 10 tỉ USD đến cuối năm 2020.

Thương mại điện tử - ngành kinh doanh bùng nổ trong khoảng 5 năm gần đây với sự lên ngôi của phong cách tiêu dùng nhanh. Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng ngành này năm 2017 đạt trên 25% và có thể được duy trì trong cả giai đoạn 2018-2020.

Trong khi đó, báo cáo của Statista ước tính tổng doanh thu thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 4 tỷ USD vào năm 2020.

Nguyên An