THCL - Tờ life.ru đã thống kê chiến lợi phẩm là 5 loại vũ khí của Mỹ bị lực lượng dân quân của Donbass kiểm soát.
Ngày 5/10 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, ông Stepan Poltorak đã thông báo rằng, Kiev một lần nữa yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp vũ khí phòng không và vũ khí chống tăng cho Ukraina.
Trước đó, vào ngày 22/9, Hạ viện Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật về việc “hỗ trợ sự ổn định và dân chủ tại Ukraine”, trong đó có điều khoản cho phép việc cung cấp loại vũ khí sát thương cho Ukraina.
Một số chuyên gia quân sự cho biết, tình hình nội chiến ở Ukraina vẫn đang diễn ra quyết liệt. Quân đội Ukraina được Mỹ hỗ trợ với nhiều loại vũ khí sát thương hiện đại nhưng vẫn chưa dành được kết quả nào nỗi bật.
Các chuyên gia cũng cho biết, vũ khí được chuyển giao cho Ukraina, một phần trong số chúng đã rơi vào tay của các chiến binh của nước cộng hoà nhân dân Donetsk và Lugansk và đây không phải là lần đầu tiên. Nhờ các phương tiện trinh sát cũng như trong quá trình chiến đấu, tờ life.ru đã thống kê những “chiến lợi phẩm” đã rơi vào tay Donbass.
Stinger
Hệ thống phòng thủ tên lửa di động “Stinger” được bàn giao cho quân đội Mỹ vào năm 1981. “Stinger” được trang bị loại tên lửa loại “đất đối không”, có thể tấn công và tiêu diệt một phương tiện bay ở độ cao từ 180 m đến 3800 m.
Hiện nay tổ hợp phòng không này đã được trang bị ở 30 quốc gia. “Stinger” đã được sử dụng trong cuộc chiến tranh Falkland, các cuộc chiến tranh Nam Tư, cũng như ở Afghanistan.
Hawk cải tiến
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung của quân đội Mỹ “Hawk cải tiến” có thể tấn công và tiêu diệt mục tiêu trên không chuyển động với tốc độ siêu âm trong phạm vi từ 1.8 km đến 40 km và ở độ cao lên đến 18 km.
Hiện nay tổ hợp này tiếp tục phục vụ trong Lực lượng vũ trang của hầu hết các quốc gia trong liên minh NATO cũng như ở Ai Cập, Israel, Saudi Arabia, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Javelin
Hệ thống tên lửa chống tăng cầm tay “Javelin” được thiết kế để tiêu diệt xe bọc thép, các công trình bảo vệ kiên cố (như hầm, lô cốt, ụ súng), cũng như trực thăng và máy bay không người lái. Tầm bắn tối thiểu 75 m và tối đa 2.5 km. Hệ thống được sử dụng trong quân đội Mỹ từ năm 1996. Và trong cuộc chiến ở Iraq nó đã cho thấy hiệu quả thực sự của mình.
Dragon 2
Hệ thống tên lửa chống tăng cầm tay “Dragon 2” được sử dụng để tiêu diệt xe bọc thép, được điều khiển qua dây dẫn. Tầm bắn khoảng từ 65 m đến 1 km.
Hệ thống này đã được sử dụng trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq, và trong hoạt động chiến dịch “Bão táp sa mạc” chống Iraq năm 1991.
TOW
Tổ hợp tên lửa chống xe tăng hạng nặng TOW được đưa vào sử dụng trong quân đội Mỹ vào năm 1970. Chúng cũng được điều khiển qua dây dẫn (trong những phiên bản sửa đổi mới nhất – điều khiển qua vô tuyến). Đây là một trong những hệ thống chống tăng phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Tầm bắn từ 65 m đến 3.7 km.
Một số chuyên gia cho rằng, chính vì việc để mất một số vũ khí tương đối lớn vào tay của quân đội nước cộng hoà nhân dân Donetsk và Lugansk nên họ càng trở nên nguy hiểm hơn và càng khó bị đánh bại.
Tất nhiên có thể lực lượng các nước cộng hoà nhân dân Donetsk và Lugansk được giúp đỡ từ Nga nhưng tất cả những “chiến lợi phẩm” của Ukraina do Mỹ cung cấp mà họ thu được trở thành mối đe dọa khủng khiếp đối với xe tăng, xe bọc thép cũng như các phương tiện bay của Ukraina.
Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến ngày càng kéo dài và chưa hoặc thậm chí không có hồi kết.
Nguyễn Đông – Đất Việt