Trong đó, số người xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Indonesia, Philippines, Malaysia và Singapore chiếm 87,9% tổng số trường hợp được báo cáo trong khu vực, theo dữ liệu của trường Đại học Johns Hopkins.
Số ca nhiễm bệnh Covid-19 tại Đông Nam Á đã tăng nhanh trong những tuần gần đây, làm gia tăng lo ngại rằng khu vực này có thể trở thành điểm nóng tiếp theo của dịch bệnh Covid-19.
Mặc dù số ca dương tính với virus SARS-CoV hiện tại ở Đông Nam Á vẫn còn thấp so với hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh Covid-19 tại Mỹ và một số nước châu Âu, song một số nghiên cứu cho thấy hàng chục ngàn người đã mắc bệnh nhưng không được báo cáo do tỷ lệ xét nghiệm tại các quốc gia như Indonesia và Philippines còn quá thấp.
Tình hình dịch bệnh covid-19 tại Đông Nam Á có nhiều diễn biến phức tạp
Indonesia - vùng dịch lớn thứ hai khu vực, báo cáo thêm 327 ca nhiễm và 47 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 6.575 và 582.
20 bác sĩ đã tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát ở Indonesia và các nhà phê bình cảnh báo rằng số người chết được công bố là quá thấp so với thực tế ở một quốc gia có tỷ lệ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Myanmar, Bộ Y tế và Thể thao thông báo tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đã tăng lên 111 người, trong đó 4 ca nhiễm mới ghi nhận cuối ngày 19/4.
Các trường hợp nhiễm mới đều ở vùng Yangon, trong đó 2 trường hợp đã có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19.
Tính đến nay, Myanmar đã chữa khỏi cho 7 bệnh nhân COVID-19, trong đó 2 bệnh nhân đã được ra viện. Trong khi đó, nước này ghi nhận 5 trường hợp tử vong kể từ khi phát hiện ca đầu tiên nhiễm COVID-19 hôm 23/3 vừa qua.
Philippines báo cáo thêm 172 ca nhiễm và 12 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 6.259 và 409.
Chính quyền Philippines bị chỉ trích vì chậm triển khai xét nghiệm, nhưng từ đầu tháng 4, họ đã khắc phục bằng cách tăng cường kit xét nghiệm và công suất phòng thí nghiệm nhằm xác định khoảng 15.000 ca nhiễm bệnh Covid-19 chưa được phát hiện. Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 13/4 thông qua ngân sách mua 900.000 kit, gấp nhiều lần so với 100.000 bộ đã được sử dụng.
Trong khi đó, số ca nhiễm bệnh Covid-19 tại Singapore đã tăng đột biến trong hai tuần qua, với hầu hết các trường hợp mắc virus là lao động ngoài cư trú trong các khu ký túc xá đông đúc.
Phần lớn các ca nhiễm mới ở Singapore là lao động nước ngoài cư trú trong ký túc xá. Ca nhiễm mới tại ký túc xá dành cho công nhân nước ngoài gia tăng một phần do các nỗ lực xét nghiệm liên tục và cách ly công nhân bị nhiễm của Singapore.
Malaysia ghi nhận thêm 84 ca nhiễm, nâng số ca nhiễm lên 5.389, trong khi số ca tử vong là 89 sau khi ghi nhận thêm một trường hợp.
Chính phủ Malaysia áp lệnh phong tỏa toàn quốc hôm 18/3 để ngăn chặn dịch bệnh. Ngoài phong tỏa biên giới, Malaysia cũng đóng cửa mọi trường học trong hai tuần và cấm tổ chức các sự kiện đông người. Toàn bộ địa điểm tôn giáo và cửa hàng kinh doanh, trừ siêu thị và ngân hàng, cũng phải ngừng hoạt động.
Ngày 20/4, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo đã ghi nhận thêm 12 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Trung Quốc đại lục trong ngày 19/4, giảm so với 16 ca một ngày trước đó.
Ngày 20/4, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này hiện là 10.674 ca, chỉ tăng 13 ca, trong khi số ca tử vong tăng thêm 2 ca lên thành 236 ca.
Italy ngày 19-4 ghi nhận 433 ca tử vong do Covid-19, mức thấp nhất trong tuần. Theo Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy, số ca tử vong trong ngày thứ Sáu và thứ Bảy vừa qua tại nước này lần lượt là 575 và 482. Số ca nhiễm mới trong ngày cũng giảm nhẹ từ 3.491 xuống 3.047 trong hai ngày cuối tuần qua. Theo Reuters, số ca nhiễm mới và tử vong của Italy đã giảm đáng kể sau khi dịch bệnh tại nước này đạt đỉnh vào khoảng cuối tháng 3.
Đến nay, Italy đã ghi nhận 178.972 ca nhiễm và 23.660 ca tử vong do Covid-19. Nước này có số ca tử vong đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại vùng Lombardy, ổ dịch lớn nhất nước này.
Cùng ngày, số ca tử vong tại Tây Ban Nha là 410, mức tăng trong ngày thấp nhất trong vòng một tháng qua. Nước này đã ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục vào ngày 2-4 khi có tới 950 người qua đời do Covid-19 chỉ trong vòng 24 giờ. Đây là tín hiệu tích cực sau khi Tây Ban Nha áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt từ trung tuần tháng 3. Đến nay, Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 20.453 ca tử vong và 198.674 ca bệnh, nhân viên y tế chiếm 15,6% tổng số ca nhiễm. Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết: “Dữ liệu xác nhận đường cong (sự gia tăng số ca tử vong) bị phá vỡ, ngay cả khi nước này tăng cường làm xét nghiệm. Bây giờ vẫn là giai đoạn khó khăn, nhưng chúng ta sẽ đi đúng hướng”.
Hãng tin AFP (Pháp) dẫn số liệu thống kê chính thức của các nước Mỹ Latinh cho biết số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở khu vực này trong ngày 19/4 đã vượt quá 100.000 người với gần 5.000 người tử vong. Cụ thể, số ca hiện là 100.952 ca với 4.924 ca tử vong.
Riêng tại Brazil, quốc gia có nhiều ca mắc COVID-19 nhất trong khu vực, số ca là 38.654 ca và 2.462 ca tử vong.
Ngoài ra, 311 công dân nước này sinh sống tại Mỹ đã tử vong do COVID-19. Bộ Y tế Mexico cảnh báo số ca tử vong sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới do hơn 70% dân số nước này mắc các bệnh nền như huyết áp cao, tiểu đường, thừa cân và béo phì.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của bộ trưởng y tế các nước G20 từ Geneva, người đứng đầu WHO nói rằng khi bước vào giai đoạn mới, các nước cần giáo dục, tham gia và trao quyền cho người dân để phòng ngừa và phản ứng nhanh chóng nếu dịch bệnh bùng lên lần nữa.
“Chúng tôi được khuyến khích khi nhiều quốc gia G20 đã bắt đầu kế hoạch nới lỏng hạn chế xã hội. Điều quan trọng là những biện pháp này là tiến trình theo giai đoạn”, ông nói.
TS Tedros cho biết WHO đặc biệt quan ngại trước tình trạng virus đang hoành hành ở các quốc gia có năng lực yếu hơn G20 để ứng phó.
“Cần phải có sự hỗ trợ khẩn cấp, không chỉ hỗ trợ các nước đối phó với COVID-19 mà còn để bảo đảm những dịch vụ y tế cơ bản khác được duy trì”, ông nói.
“Đại dịch COVID-19 đã nhắc nhở chúng ta về một sự thật đơn giản: chúng ta là cùng là nhân loại. Chúng ta cùng sống trên một hành tinh. Chúng ta cùng chia sẻ những hy vọng và giấc mơ. Chúng ta có cùng vận mệnh”, ông Tedros nói.
Trang Nguyễn