Ngày 5/9, đại diện tổ chức Bureau Veritas tại Việt Nam đã trao giấy chứng nhận BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất của Tổ chức Liên minh Thủy sản toàn cầu) cho Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú - đơn vị đồng hành cùng nông dân thực hiện “Dự án tôm - lúa xã Biển Bạch Đông” ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Đây là chứng nhận quốc tế thứ hai (sau ASC) tại vùng chuyên canh tôm - lúa của huyện Thới Bình và là chứng nhận BAP đầu tiên được triển khai tại vùng chuyên canh tôm - lúa của Việt Nam.

Có 231 hộ dân tham gia chuỗi thực hành nuôi tôm nêu trên với tổng diện tích hơn 696ha/296 ao nuôi tại 6 ấp của xã Biển Bạch Đông. Đồng hành cùng nông dân địa phương là đội ngũ chuyên gia của Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú và Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam.

Sản phẩm tôm ở vùng chuyên canh lúa - tôm tại xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình vừa đạt chứng nhận BAP
Sản phẩm tôm ở vùng chuyên canh lúa - tôm tại xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình vừa đạt chứng nhận BAP

Khi đạt được chứng nhận BAP, tôm Cà Mau nói riêng và tôm Việt Nam nói chung sẽ rộng đường xuất khẩu đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. “Có nhiều tiêu chuẩn đã và đang được áp dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam như: SQF, GlobalGAP, ASC, BAP, Naturland, AquaGAP, VietGAP… Tuy nhiên, các tiêu chuẩn rất quan trọng được áp dụng phổ biến cho con tôm xuất khẩu hiện nay là ASC, GlobalGAP và BAP”, Đại diện GIZ tại Việt Nam cho biết.

Trước đó, ngày 27/10/2022, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) cùng UBND huyện Thới Bình phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hội nghị tổng kết và chia sẻ mô hình tôm sú - lúa đạt chứng nhận ASC tại xã Trí Lực.

Chứng nhận ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. Đây là mô hình đầu tiên của Việt Nam đạt chứng nhận ASC.

Theo ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình: “Trong những năm qua, huyện Thới Bình đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Qua triển khai, trên địa bàn huyện có 2 mô hình lúa tôm nổi bật. Cụ thể là mô hình xen canh lúa - tôm sú và mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh. Đây là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Cũng theo ông Bạo, xã Trí Lực là một trong những đơn vị của huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển mô hình lúa tôm. Địa phương quan tâm, thường xuyên chỉ đạo thực hiện nhiều mô hình về lúa sạch, lúa hữu cơ và nuôi tôm theo hướng VietGAP trên địa bàn. Từ đó, giúp cho các sản phẩm nông nghiệp của nông dân được nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện đã mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết vào chuỗi giá trị lúa tôm trên tại địa phương.

Chứng nhận BAP đầu tiên của Việt Nam được trao cho vùng chuyên canh tôm - lúa ở tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Trung Chánh)
Chứng nhận BAP đầu tiên của Việt Nam được trao cho vùng chuyên canh tôm - lúa ở tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Trung Chánh)

Được biết, lợi ích lớn nhất khi được chứng nhận ASC chính là giải quyết vấn đề về nuôi tôm bền vững đối với việc nuôi nhỏ lẻ, giảm thiểu tác động tiêu cực của môi trường và đảm bảo lợi ích xã hội. Góp phần làm thay đổi thói quen sản xuất, cách suy nghĩ của người nuôi và doanh nghiệp về nuôi tôm bền vững và hướng đến mục tiêu cao nhất là phát triển bền vững 4 trụ cột về môi trường - xã hội, an sinh, động vật và an toàn thực phẩm.

Đây là điều kiện thuận lợi để quảng bá hình ảnh con tôm Cà Mau nói chung, huyện Thới Bình nói riêng ra thị trường thế giới, nhất là các thị trường khó tính như Châu Âu.

PV (t/h)