Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông Vận tải địa phương tổ chức tổng kiểm tra tình hình hoạt động của xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch; trong đó chú trọng kiểm tra đối với phương tiện từ 10 chỗ trở lên; xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, các đơn vị trên tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Văn bản số 8111/BGTVT-VT ngày 11/08/2023 của Bộ Giao thông Vận tải về tăng cường kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định” trên địa bàn địa phương.
Đối với các Sở Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/04/2023 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình mới. Chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời hiệu quả giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn giao thông cho nhân dân;
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và công an các địa phương triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về điều kiện an toàn giao thông của đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn, đặc biệt từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô kinh doanh vận tải để kiểm tra việc thực hiện các quy định về thời gian lái xe, tốc độ, điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, điều kiện của người lái xe kinh doanh vận tải, chở đúng số người quy định...
Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc yêu cầu tổng kiểm tra xe kinh doanh vận tải nhằm triển khai Công điện số 1033/CĐ-TTg ngày 31/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Lạng Sơn.
Minh Đức