Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) Trương Đình Hòe, năm 2021 khép lại với hàng loạt khó khăn khó lường với những tác động trực tiếp của đại dịch lên nền kinh tế đất nước trong đó có ngành cá tra.

Theo ông Hòe, nếu như năm 2020 ngành cá tra “mắc cạn” vì lệnh phong tỏa tại các thị trường XK chủ lực thì năm 2021, từ quý 3, tác động của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đã khiến cả ngành sản xuất, xuất khẩu cá tra khó khăn trăm bề.

Các doanh nghiệp cá tra đã phải chịu tác động nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch lần thứ tư khi phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt và kéo dài, sau đó dịch lây lan nhanh và mạnh tại các tỉnh ĐBSCL khiến hoạt động nuôi, chế biến và lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất; toàn bộ các chi phí đầu vào chi phí thức ăn, bao bì, phụ gia… và chi phí chế biến “ba tại chỗ” làm tăng đáng kể giá thành nuôi trồng và chế biến. Bên cạnh đó, chi phí cước tàu tăng 8-10 lần. Các chi phí phát sinh phòng chống dịch bệnh là những chi phí mà doanh nghiệp không thể lường hết được.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cả quý III/2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt 295 triệu USD giảm 21% so với cùng kỳ. Tác động của dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng lên hoạt động sản xuất xuất khẩu cá tra trong quý III/2021 mà tiếp tục ảnh hưởng kết quả của cả năm 2021 cụ thể tính đến hết tháng 11/2021 xuất khẩu cá tra chỉ đạt 1,4 tỷ USD tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020, dự kiến mức tăng trưởng cả năm của ngành cá tra 2021 đạt 3% chỉ bằng 1/6 so với mức tăng trưởng của quý II và cán đích 1,54 tỷ USD.

“Qua một năm 2021 đầy biến động do dịch Covid 19, dù khó khăn nhưng doanh nghiệp cũng có thêm được nhiều bài học kinh nghiệm trong thực hiện mục tiêu kép trong hoàn cảnh thích ứng. Và những kinh nghiệm này sẽ giúp các Doanh nghiệp tự tin đặt ra kế hoạch cao hơn cho năm 2022. Tuy nhiên các bài toán thách thức của năm 2021 có thể vẫn chưa giải được hoàn toàn trong năm 2022. Việc nuôi trồng và chế biến cá tra vẫn còn đó những bất ổn và khó khăn tiếp tục phải đối mặt”, ông Hòe cho hay.

Theo nhận định của ông Hòe, sau nhiều tháng đóng cửa do Covid-19, các nền kinh tế đã mở cửa trở lại với tâm thế sống chung với Covd-19. Các chính sách kích thích phát triển kinh tế song song với tình hình lạm phát cao, áp lực tăng giá nguyên liệu và vật tư đầu vào, giá thức ăn thủy sản tăng liên tục khiến giá thành sản xuất tăng, thiếu lao động, chi phí điện, nhân công tăng cao, nhu cầu thị trường xuất khẩu khó tăng trưởng mạnh, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp khiến cho việc duy trì sự tăng trưởng dương trong cả năm 2022 là điều không dễ dàng với các doanh nghiệp.

Vị Tổng Thư ký VASEP dự báo thị trường Trung Quốc có thể vẫn giữ vững vị trí là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra trong năm 2022.  Đối với thị trường Châu Âu, trong năm 2022 cần có thời gian để rà soát nhu cầu của thị trường. Dự kiến năm 2022, xuất khẩu đi thị trường Mỹ sẽ ổn định và khó có sự tăng trưởng đột biến như tình hình năm 2021.

Còn các thị trường khác như: Mexico, Brazil, Colombia, Nga và Ai Cập là các thị trường có thể được kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và có thể bù đắp phần nào cho sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc và Châu Âu.

Dự báo này đến từ kết quả xuất khẩu cá tra trong mùa dịch năm 2021 với mức tăng trưởng 2 con số, từ 44-84%, và tổng thị phần của 5 thị trường này chiếm đến 16,3% về kim ngạch xuất khẩu của ngành cá tra trong 11 tháng năm 2021.

Bảo Lâm