Bài 7: BIDV - giải pháp phát triển bền vững

Vừa qua, Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã được vinh danh với 2 giải thưởng: “Best issuer for sustainable finance in Vietnam 2024” (Tổ chức phát hành bền vững xuất sắc nhất Việt Nam) và “Best green Bond in Vietnam 2024” (Giao dịch trái phiếu xanh xuất sắc nhất Việt Nam)…

6 tháng - tăng trưởng tín dụng đạt 5,83%  

Đó là thông tin, được lãnh đạo BIDV đưa ra, tại buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vừa qua.

Theo đó, Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm báo cáo tình hình hoạt động của BIDV:

“Ngân hàng Nhà nước có buổi làm việc với các cán bộ chủ chốt của Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Hoạt động kinh doanh của ngân hàng, trong 6 tháng đầu năm, bám sát lộ trình kế hoạch năm, phù hợp với tình hình chung của thị trường.

Cụ thể, BIDV tiếp tục đứng đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam về quy mô tài sản và đã vươn lên ở trong TOP 3 ngân hàng có hiệu quả hoạt động tốt nhất”.

Trụ sở chính BIDV Số 94 Trần Quang Khải, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Hoạt động tín dụng, ghi nhận mức tăng khá so bình quân ngành ngân hàng, dư nợ tín dụng tăng 5,9% so đầu năm, trong đó lượng vốn cung ứng ra thị trường trong 6 tháng đầu năm, đạt trên 105 nghìn tỷ đồng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; dư nợ tín dụng tăng trưởng tốt ở nhóm khách hàng cá nhân (9,1%) và khách hàng doanh nghiệp nước ngoài (8,5%).

Chất lượng tín dụng được kiểm soát trong giới hạn, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN thời điểm 30/6/2024, kiểm soát theo định hướng (≤1,4%). BIDV thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Các chỉ tiêu về an toàn hoạt động đảm bảo theo quy định của Nhà nước.

Trước đó, báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024, tổ chức vừa qua, Tổng giám đốc BIDV thông tin rằng, tăng trưởng tín dụng cập nhật hết 17/6 là 4,7% (tương ứng dư nợ 1,87 triệu tỷ đồng), tăng 81.000 tỷ so cuối năm ngoái.

Diễn biến tăng trưởng tín dụng tại BIDV khá tương đồng với tình hình chung của các tổ chức tín dụng khác, khi số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng toàn nền kinh tế, ghi nhận mức tăng ấn tượng trong tháng 6.

Hoạt động kinh doanh của BIDV tiếp tục được duy trì ổn định, an toàn, hiệu quả và bám sát kế hoạch năm; huy động vốn đảm bảo cân đối vốn, tăng trưởng tín dụng tăng khá, chất lượng tín dụng được kiểm soát trong giới hạn, các chỉ tiêu hiệu quả đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ năm trước...

Tính đến hết quý II/2024, BIDV đạt được kết quả kinh doanh tích cực, thể hiện trên nhiều phương diện.

Theo đó, tổng tài sản hợp nhất cuối quý II, đạt trên 2,52 triệu tỷ đồng, tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất thị trường.

Huy động vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống. Đến 30/6/2024, huy động vốn từ tổ chức và dân cư đạt trên 2,01 triệu tỷ đồng, tăng 5,5% so đầu năm. Huy động vốn tăng trưởng tốt ở phân khúc bán lẻ, góp phần gia tăng tính ổn định của nền vốn.

Hiệu quả kinh doanh 6 tháng, ghi nhận kết quả tích cực: Chênh lệch thu chi hợp nhất đạt 25.295 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 15.549 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ năm trước.

Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam

Ngày 4/7/2024, tại Singapore, Tạp chí Asian Banking and Finance (ABF) đã vinh danh Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với giải thưởng “SME Bank of the Year – Vietnam” (Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam).

Việc lần thứ 7 liên tiếp nhận được giải thưởng uy tín này - là sự khẳng định những nỗ lực, kết quả vượt trội của BIDV trong hành trình hợp tác cùng phát triển với cộng đồng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam.

Chia sẻ tại chương trình vinh danh, Giám đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp BIDV, bà Phạm Thị Vân Khánh cho biết:

“BIDV xác định SME là phân khúc khách hàng quan trọng trong chiến lược kinh doanh của ngân hàng và ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng SME phát triển”.

Với chính sách phù hợp và những nỗ lực cao độ, hoạt động ngân hàng SME của BIDV thời gian qua, đã đạt được những kết quả nổi bật: Tiếp tục giữ vững vị thế Ngân hàng SME số 1 Việt Nam, dẫn đầu thị trường về nền khách hàng và dư nợ SME...

Để có được kết quả đó, BIDV đã có những bước chuyển mình ấn tượng. Trong đó, BIDVtích cực – chủ động đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp SME.

Diễn đàn chính sách doanh nghiệp nhỏ và vừa với chủ đề “Tiếp cận vốn - Khơi thông điểm nghẽn”

Trước hết, BIDV tiếp tục thực hiện cam kết với cộng đồng doanh nghiệp. Tính từ đầu năm, BIDV đã tích cực triển khai các gói tín dụng có tổng quy mô gần 500.000 tỷ đồng với chính sách lãi suất cạnh tranh (mức giảm lên đến 2%/năm) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trước đó, BIDV cũng là ngân hàng đầu tiên trên thị trường cung cấp giải pháp tài chính toàn diện trong lĩnh vực tài trợ chuỗi cung ứng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, vật liệu xây dựng, viễn thông, hóa chất, ô tô/điện tử, dược phẩm…

BIDV đang là đối tác chiến lược của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam.

Đồng thời, BIDV tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức quốc tế dành doanh nghiệp nhỏ và vừa - do phụ nữ làm chủ, của Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (UN ESCAP), SheMeansBusiness của Facebook, SheTrades của ITC, Dự án LinkSME, do USAID tài trợ.

Tập thể BIDV - Chi nhánh Sở Giao dịch 1 

Phát triển hệ sinh thái ngân hàng số

BIDV không ngừng nỗ lực phát triển hệ thống ngân hàng số, nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Trong đó, BIDV đã triển khai Nền tảng số SMEasy (https://smeasy.bidv.com.vn) nhằm hỗ trợ tối đa cho khách hàng các giải pháp tài chính và phi tài chính; triển khai hệ thống Open API, giúp tích hợp dịch vụ ngân hàng vào các ứng dụng, phần mềm, nền tảng số của khách hàng; phát triển ứng dụng ngân hàng điện tử BIDV iBank, cung cấp hệ sinh thái dịch vụ ngân hàng trực tuyến đa dạng.

BIDV cũng là đơn vị tiên phong triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tới khách hàng SME, đặc biệt là dịch vụ hành chính công.

Đến nay, BIDV có quan hệ với hơn 40.000 khách hàng hành chính sự nghiệp; trong đó hợp tác với hơn 1.000 đơn vị y tế công lập, 11.570 trường học và nhà cung cấp các dịch vụ điện nước, hơn 8.600 công đoàn các cấp.

Chi nhánh Sở Giao dịch 1 tăng trưởng quy mô và chất lượng dịch vụ mỗi năm

Từ lâu, BIDV đã xác lập mục tiêu “hướng tới sự phát triển bền vững” xuyên suốt trong hoạt động ngân hàng, đưa tín dụng xanh, tài trợ xanh trở thành ưu tiên trong chiến lược phát triển.

Hiện tại, BIDV đã ban hành 3 khung tài chính xanh, bao gồm: Khung quản lý rủi ro môi trường - xã hội áp dụng cho các khoản vay từ nguồn vốn quốc tế; Khung khoản vay bền vững; Khung trái phiếu xanh.

Qua đó, BIDV thiết lập các nền tảng cơ sở cho hoạt động cấp tín dụng, huy động vốn và quản lý rủi ro trong hoạt động tài chính bền vững tại ngân hàng.

Tính đến ngày 31/3/2024, BIDV đã tài trợ cho gần 1.700 khách hàng với khoảng 2.100 dự án/phương án thuộc lĩnh vực xanh; dư nợ tín dụng xanh đạt 73.400 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,5% tổng dư nợ tín dụng xanh toàn nền kinh tế.

Những thành tích xuất sắc trong hoạt động ngân hàng SME của BIDV, đã được các tổ chức trong nước, quốc tế ghi nhận và vinh danh. Ngoài giải thưởng “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam” lần thứ 7 liên tiếp của ABF, BIDV còn được trao các giải thưởng:

“Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ, trong quá trình chuyển đổi xanh” được tổ chức ngày 10/7/2024 tại Hà Nội, đại diện BIDV đã tham gia chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp thiết thực

Ngân hàng SME tốt nhất Đông Nam Á và Ngân hàng Doanh nghiệp tốt nhất Đông Nam Á (Global Banking & Finance Review);

“Ngân hàng phục vụ khách hàng FDI tốt nhất Việt Nam” (ABF);

“Ngân hàng cung cấp giải pháp số hàng đầu Việt Nam” (Asiamoney);

“Top 10 Doanh nghiệp bền vững trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ” (VCCI)...

BIDV được thành lập năm 1957 và là ngân hàng có lịch sử lâu đời nhất trong tổ chức tín dụng tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

Tiên phong thị trường tài chính xanh

Thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Các tổ chức quốc tế hàng đầu như Liên hiệp quốc (UN), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)… đã lần lượt đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) cùng các khung pháp lý, các dự án hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để hướng dẫn các quốc gia hợp tác, đầu tư vào các dự án có tác động tích cực đến môi trường.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã có những hành động cụ thể, thể hiện qua việc góp mặt tại các kỳ hội nghị quốc tế của các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP), cùng các cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và việc tham gia vào sáng kiến “Cam kết làm mát toàn cầu”.

Điều này chứng minh rằng, Việt Nam không chỉ xem xét các yếu tố môi trường - xã hội - quản trị (ESG) là phong trào, mà ESG hiện nay được xem là chìa khóa phát triển mạnh mẽ và dài hạn trong mọi lĩnh vực.

BIDV đã góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Theo đó, BIDV đã nghiên cứu xây dựng khung tài chính xanh trên tất cả các mảng hoạt động để đảm bảo tổ chức, vận hành và quản trị ngân hàng theo đúng chiến lược phát triển bền vững đã đặt ra.

Thông qua việc ban hành 3 khung tài chính xanh (Khung quản lý rủi ro môi trường - xã hội áp dụng cho các khoản vay từ nguồn vốn quốc tế; Khung khoản vay bền vững; Khung trái phiếu xanh), BIDV thiết lập các nền tảng cơ sở cho hoạt động cấp tín dụng, huy động vốn và quản lý rủi ro trong hoạt động tài chính bền vững tại ngân hàng.

Với cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững, BIDV đã tích cực đẩy mạnh triển khai nhiều chương trình tín dụng xanh ưu đãi từ nguồn vốn thương mại, vốn ủy thác. Đặc biệt, BIDV phát hành trái phiếu xanh dành cho các lĩnh vực như:

Năng lượng tái tạo; năng lượng sạch; các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai sản phẩm khoản vay xanh cho doanh nghiệp dệt may theo khung khoản vay bền vững; chính sách ưu đãi cho vay trung và dài hạn dự án công trình xanh…

BIDV có mạng lưới văn phòng giao dịch rộng khắp Thành phố Hồ Chí Minh

Đồng thời, BIDV xác định các tiêu chí lựa chọn dự án, quản lý, giám sát tín dụng để tạo lập và duy trì danh mục tín dụng xanh có chất lượng cho ngân hàng.

BIDV là ngân hàng đầu tiên triển khai Chương trình cho vay gián tiếp nguồn vốn của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), áp dụng cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án chuyển giao, cải tiến, đổi mới công nghệ với lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 3,5 - 6%/năm và Chương trình cho vay gián tiếp nguồn vốn của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, áp dụng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tham gia Cụm liên kết ngành/chuỗi giá trị với lãi suất cho vay 1,2%/năm đối với vay ngắn hạn và 4,4%/năm đối với vay trung - dài hạn.

Bên cạnh đó, BIDV còn nhận được sự tin tưởng của nhiều định chế tài chính quốc tế như WB, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cung cấp nguồn vốn ủy thác cho vay dự án xanh thông qua BIDV; tổng giá trị đạt 500 triệu USD.

BIDV tự hào là định chế tài chính lâu đời nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam, có uy tín và giá trị hàng đầu Việt Nam

Trong đó, tiêu biểu là nguồn vốn của WB trị giá 202 triệu USD cho Dự án Năng lượng tái tạo; nguồn vốn AFD trị giá 100 triệu USD cho Hạn mức tín dụng xanh SUNREF; nguồn vốn EIB trị giá 30 triệu USD cho vay các dự án bảo vệ môi trường…

Trái phiếu xanh - kênh dẫn vốn cần thiết

BIDV đã được vinh danh với 2 giải thưởng: “Best issuer for sustainable finance in Vietnam 2024” (Tổ chức phát hành bền vững xuất sắc nhất Việt Nam) và “Best green Bond in Vietnam 2024” (Giao dịch trái phiếu xanh xuất sắc nhất Việt Nam). Đây là các giải thưởng ở hạng mục Tài chính bền vững thuộc hệ thống giải Tripple A Awards của Tạp chí The Asset (Hongkong).

Các giải thưởng ghi nhận tính tiên phong, mức độ tín nhiệm cao về năng lực và uy tín của của BIDV trên thị trường vốn, khi triển khai phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu tuân thủ theo nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế - ICMA, đưa BIDV trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành trái phiếu xanh theo nguyên tắc quốc tế tại Việt Nam.

Đợt phát hành trái phiếu của BIDV, cũng là đợt phát hành trái phiếu xanh đầu tiên tại Việt Nam có cấu trúc không tài sản bảo đảm, không phải nợ thứ cấp và không cần bảo lãnh thanh toán, thể hiện mức độ tín nhiệm cao về năng lực và uy tín của tổ chức phát hành.

Khung trái phiếu xanh của BIDV, đã được Tổ chức Xếp hạng quốc tế Moody’s đánh giá độc lập và chấm điểm ở mức SQS2 (very good), qua đó xác nhận sự tuân thủ, minh bạch ở cấp độ cao của BIDV khi phát hành và quản lý sau phát hành trái phiếu, đảm bảo nguồn vốn trái phiếu xanh được sử dụng đúng các mục tiêu đã cam kết.

Tại Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để thực hiện cam kết này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Trong xu hướng phát triển xanh quy mô toàn cầu và quốc gia, BIDV nhận định rằng, trái phiếu xanh sẽ là kênh dẫn vốn cần thiết và có dư địa tăng trưởng lớn tại Việt Nam để hỗ trợ cung ứng đủ vốn đầu tư cho doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài.

Do đó, BIDV đã sớm quan tâm, chú trọng đến việc nghiên cứu, triển khai phát hành trái phiếu xanh. BIDV có chiến lược rõ ràng về phát triển ngân hàng xanh và tín dụng xanh, liên quan đến yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội (ESG), trong hoạt động cho vay, sẵn sàng tài trợ cho khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực có khí thải carbon thấp và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Vốn trái phiếu xanh - sẽ là một công cụ hiệu quả để tăng khả năng thực hiện chiến lược trên. BIDV kỳ vọng rằng, việc phát hành trái phiếu xanh tiên phong theo tiêu chuẩn quốc tế, sẽ truyền cảm hứng cho các tổ chức khác cùng đồng hành xây dựng một tương lai xanh, phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Không chỉ là định chế tài chính tiên phong triển khai các sản phẩm tài chính mới, hiện đại... BIDV cũng luôn đi đầu trong việc tạo lập và phát triển thị trường trái phiếu trong nước.

BIDV là tổ chức phát hành trái phiếu dẫn đầu thị trường với tổng quy mô phát hành trong giai đoạn 2018 đến nay, đạt gần 115.000 tỷ đồng.

Cùng với 2 giải thưởng nêu trên, BIDV cũng đã được nhiều tạp chí quốc tế uy tín như FinanceAsia, The Global Banking and Finance… trao tặng là Tổ chức phát hành và tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu tốt nhất Việt Nam.

Tiên phong kiến tạo giá trị vững bền

Vừa qua, tại Tọa đàm “Thực hành báo cáo phát triển bền vững: Kinh nghiệm và thực tế triển khai”, Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm đã cung cấp những thông tin cụ thể về công tác triển khai tại BIDV, qua đó khẳng định vị thế tiên phong của BIDV trong lĩnh vực này.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xây dựng Báo cáo phát triển bền vững trong hệ thống ngân hàng; đồng thời ghi nhận, biểu dương BIDV là một trong những ngân hàng tiên phong phát hành Báo cáo phát triển bền vững độc lập, theo chuẩn quốc tế GRI và tham chiếu đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.

Với thông điệp “Kiến tạo tương lai xanh”, Báo cáo phát triển bền vững năm 2023 của BIDV đã cung cấp thông tin về những định hướng, cam kết và thực hành phát triển bền vững của ngân hàng, giúp các bên hữu quan (bao gồm khách hàng, cổ đông, người lao động, cơ quan quản lý và cộng đồng) hiểu được sâu sắc về hành trình phát triển bền vững của BIDV, tập trung vào 3 trụ cột: Chuyển đổi xanh - Nỗ lực xây dựng xã hội bền vững - Thúc đẩy quản trị minh bạch, hiệu quả.

Nhằm đáp ứng tốt nhất các thông lệ, Báo cáo trình bày bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, đồng thời được công bố thông tin rộng rãi trên Website của BIDV.

Báo cáo phát triển bền vững năm 2023 của BIDV, với sự tư vấn của PwC, cũng đã được đại diện Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA)… đánh giá cao về tính đầy đủ và chuyên nghiệp. Nhiều ngân hàng và các đơn vị tham dự hội thảo, đã đặt câu hỏi cho BIDV về kinh nghiệm thực hành ESG, xây dựng Báo cáo phát triển bền vững và tham khảo mẫu báo cáo năm 2023 của ngân hàng.

Phát biểu tham luận tại tọa đàm, Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm nhấn mạnh tầm nhìn của BIDV về “Tiên phong kiến tạo giá trị vững bền” và quyết tâm trở thành ngân hàng dẫn đầu thị trường trong thực hành phát triển bền vững, định vị thương hiệu ngân hàng xanh.

Thời gian qua, BIDV đã tích cực và tập trung xây dựng Chiến lược phát triển bền vững và thực hành ESG, kiện toàn cơ cấu quản trị thực hành phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển tài chính xanh, tín dụng xanh, tăng cường quản trị rủi ro ESG, đo lường, kiểm soát phát thải và cuối cùng là tiên phong xây dựng Báo cáo Phát triển bền vững độc lập theo chuẩn quốc tế.

Với góc nhìn của một ngân hàng tiên phong triển khai ESG tại Việt Nam, ông Lê Ngọc Lâm chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn mà BIDV, cũng như các doanh nghiệp đang gặp phải, từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động phát triển bền vững tại Việt Nam. Nội dung Tham luận của BIDV, đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các đại biểu.

Bên cạnh tham luận riêng, Tổng giám đốc BIDV cũng trực tiếp tham gia Phiên thảo luận để cùng với các chuyên gia hàng đầu về ESG chia sẻ kinh nghiệm và trả lời câu hỏi của đại biểu tham dự…

Bộ Công Thương:

“Kết quả đạt được, thể hiện tốc độ phát triển của các thương hiệu hàng đầu Việt Nam khi đã có những cải tiến vượt bậc, cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, từ đó nâng cao vị thế vững chắc trong bảng xếp hạng.Các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam đang từng bước bắt kịp với xu thế toàn cầu, đầu tư vào giá trị vô hình trong đơn vị - tiêu biểu là giá trị thương hiệu - để từ đó, góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam. Dựa trên báo cáo của Brand Finance năm 2023, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng mạnh trong các ngành viễn thông, ngân hàng, thực phẩm”…

2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược kinh doanh 5 năm. BIDV xác định phương châm hành động của năm là “Tinh giản quy trình - Chuyển đổi hoạt động”. Theo đó, BIDV sẽ chuyển đổi toàn diện, đồng bộ, thực chất, bài bản tất cả các hoạt động, đặc biệt là chuyển đổi mạnh mẽ, căn bản từ tư duy nhận thức, từ xây dựng hoạch định mục tiêu định hướng, mô hình kinh doanh, mô hình hoạt động theo hướng phát triển xanh, bền vững (ESG).

Bài sau: Techcombank - tư duy mới, đột phá mới

 Thủy Hương