Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính qúy III/2022, tính đến 30/9, tổng số dư tiền gửi khách hàng của 27 ngân hàng đạt hơn 7,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,8% so với cuối năm 2021.
Dẫn đầu bảng xếp hạng tiếp tục là ba ngân hàng nhóm quốc doanh, trong đó BIDV là nhà băng huy động được nhiều tiền gửi nhất hệ thống với gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 2,8% so với cuối năm ngoái. Đứng sau lần lượt là Vietcombank và VietinBank với số dư tiền gửi khách hàng đều trên 1,1 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng 5,4 % và 2,4% so với cuối năm 2021.
Chỉ riêng lượng tiền gửi của ba "ông lớn" này đã chiếm đến 50% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống, đạt gần 3,8 triệu tỷ đồng.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân, Sacombank là ngân hàng có lượng tiền gửi khách hàng lớn nhất với hơn 457.800 tỷ đồng, tăng 7,1% so với đầu năm. Xếp sau là ACB với tiền gửi khách hàng đạt hơn 392.000 tỷ đồng, tăng 3,2% so với đầu năm.
Về tốc độ tăng trưởng tiền gửi khách hàng, TPBank là ngân hàng tăng nhanh nhất hệ thống với mức tăng trưởng 16,6%. Theo sau đó là HDBank (13,4%), ABBank (10,2%), VIB (8,9%), LienVietPostBank (7,4%),...
Mặt khác, có 6 ngân hàng ghi nhận sụt giảm tiền gửi trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, Kienlongbank là ngân hàng có tiền gửi khách hàng giảm mạnh nhất. Số dư tiền gửi khách hàng của ngân hàng tính đến 30/9 là 42.200 tỷ đồng, giảm đến 18% so với đầu năm. Các ngân hàng còn lại góp mặt trong danh sách là Ngân hàng Bản Việt, MB, VietABank, NCB, và OCB.
SCB và Agribank không góp mặt trong danh sách này do chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2022.
Đức Anh