Từ 5 giờ sáng chúng tôi đã có mặt tại một góc chợ Thủy Tú (thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu), rất nhiều người đi tập thể dục về dừng lại điểm bán hàng với dòng chữ “Thực phẩm tin cậy”, của chị em ở khu vực Nam Ô thường gọi là “Góc chợ yêu thương”. Tại đây chủ yếu là bán những mặt hàng “cây nhà, lá vườn”, từ hải sản đến nông sản đều do chính bàn tay chị em và gia đình họ nuôi, trồng và đánh bắt, cung cấp với giá hợp lý đối với người tiêu dùng.

TP. Đà Nẵng: Những phiên chợ thực phẩm sạch - Hình 1

Phiên chợ tại P. Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu)

Người bán, kẻ mua đều quen thuộc nhau, nên sự tin tưởng gần như tuyệt đối. Dần dà sự lan tỏa đến người tiêu dùng mỗi ngày càng sâu rộng hơn, đến các nơi lân cận khác, đặc biệt vào những ngày cuối tuần, phiên chợ lại càng đông hơn ngày thường. “Góc chợ yêu thương” đã đem lại cho nhiều chị em tại địa phương tăng nguồn thu nhập, cải thiện được đời sống gia đình đáng kể.

Chị Võ Thị Thuận (48 tuổi, tổ 32, phường Hòa Hiệp Bắc) bán hàng tại phiên chợ này chia sẻ, các mặt hàng ở đây đều có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Người dân quanh đây ai cũng biết chị tận dụng những mảnh đất trống gần nhà để trồng dưa gang, rau lang, rau muống, sả...

“Tôi vừa cắt bán tại vườn vừa mang ra chợ bán. Chỉ tầm 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ tôi có thể kiếm được vài trăm ngàn, xong vẫn kịp về nhà làm việc khác”, chị Thuận nói.

Với mặt hàng cá sông, chị Đặng Thị Thanh (50 tuổi, phường Hòa Hiệp Bắc) cho biết, chị chủ yếu bán cá do chồng đánh bắt. Từ khuya, chồng chị ra sông Cu Đê đánh bắt cá để vợ kịp bán lúc 5 giờ sáng. Khi vợ bán ở chợ thì chồng cũng tranh thủ đánh thêm mẻ cá nữa trước khi phiên chợ sớm tan. Vì cá mới đánh bắt nên tươi rói, chị em tranh nhau mua. Từ khi có phiên chợ này, nguồn thu nhập của gia đình chị tăng đáng kể.

Chị Dương Thị Mỹ Vinh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Liên Chiểu cho biết, các chị em trên địa bàn quận, đặc biệt ở khu vực Nam Ô đa số trồng rau, nuôi gà với mục đích dùng trong gia đình.

Theo thời gian, rau, củ nhiều dùng không hết nhưng không có chỗ bán nên chị em trong Hội nghĩ ra góc chợ phiên này. Hiện nay, mô hình này được triển khai ở chợ Nam Ô, chợ Thủy Tú, chợ Hòa Khánh Nam và sẽ nhân rộng nếu đạt hiệu quả.

TP. Đà Nẵng: Những phiên chợ thực phẩm sạch - Hình 2

Hải sản mới đánh bắt từ biển về

Khác với những phiên chợ, tại Quận Thanh Khê chúng tôi ghi nhận. Từ 4 giờ 30 đến chừng 6 giờ 30 sáng hàng chục người đi tập thể dục về đều ghé lại bên bờ biển khu vực cầu Phú Lộc, để mua những thực phẩm sạch từ biển vừa đánh bắt về, các mặt hàng tươi sống nông sản từ các vùng quê lân cận cũng được đem đến bày bán tấp nập, giá cả phải chăng.

Tương tự, tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Hội Phụ nữ phường cũng triển khai mô hình “Góc chợ phiên” cho hội viên. Chợ phiên tại Hòa Xuân đơn giản chỉ là những sạp hàng quanh khu chợ phụ, diễn ra hằng ngày từ 5 giờ 30 đến 7 giờ và thường đông nhất vào thứ bảy, chủ nhật.

Theo chị Phạm Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Xuân, chị em tham gia phiên chợ đa số thuộc hộ nghèo, khó khăn. Do diện tích đất nông nghiệp thu hẹp, các chị tận dụng đất trống trồng rau, củ nhưng đầu ra không có. Từ ngày thành lập phiên chợ, nhiều người đến ủng hộ. Phiên chợ lại gần nơi trồng trọt nên rất thuận lợi cho chị em.

Với quận trung tâm như Hải Châu, việc hình thành phiên chợ tại phường Hòa Thuận Tây và Hòa Cường Bắc lại là cách chủ yếu nhằm nâng cao ý thức của phụ nữ về thói quen sử dụng thực phẩm an toàn. Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Thuận Tây Nguyễn Thị Kiều Linh chia sẻ, phiên chợ của chị em chỉ diễn ra vào hai ngày 5 và 6 hằng tháng, tại trụ sở UBND phường.

Mặt hàng rau sạch được các chị có hoàn cảnh khó khăn tự trồng; còn củ, quả hơi khó trồng nên Hội Phụ nữ phường lấy từ công ty rau sạch về phân phối cho chị em bán lại.

Hoàng Hữu Quyết