Theo đơn vị chức năng, kênh được làm hở toàn tuyến, hai bên xây đường rộng 10m, trồng cây xanh. Tổng vốn đầu tư gần 514 tỷ đồng, riêng chi phí xây dựng công trình gần 136 tỷ đồng, còn lại là đền bù, giải phóng mặt bằng, các khoản dự phòng, tư vấn...
Được biết, dự án cải tạo kênh Hy Vọng đã có từ nhiều năm trước do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước làm chủ đầu tư, trước khi bàn giao qua Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị. Công trình trước đây là một hạng mục thuộc dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP HCM, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).
Năm 2017, WB ngưng tài trợ khiến dự án bị khó trong việc tìm nguồn vốn thay thế. Trước tình hình trên, UBND TP HCM năm 2018 chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp các bên sớm hoàn thành công việc thuộc dự án quản lý rủi ro ngập nước, đồng thời quyết toán nguồn vốn vay của WB. Việc này nhằm làm cơ sở trình cấp thẩm quyền huỷ dự án, từ đó nghiên cứu và tìm nguồn vốn phù hợp.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) hiện xem xét tài trợ một số hạng mục công trình của dự án quản lý rủi ro ngập như hệ thống cống thoát nước, cống bao khu vực xung quanh. Do vậy việc đầu tư cải tạo kênh Hy Vọng được xem cần thiết để đồng bộ dự án nói trên. Công trình cũng góp phần giải quyết ngập úng và cải thiện môi trường, nhất là lưu vực sân bay Tân Sơn Nhất do đây là một trong hướng thoát nước chính.
Được biết, ngoài kênh Hy Vọng, quanh sân bay Tân Sơn Nhất còn ba dự án cải tạo kênh khác giúp tăng khả năng thoát nước nhưng chưa được đầu tư. Trong đó, dự án kênh A41 làm cống hộp kết hợp xây đường rộng 20 m phía trên và bổ sung hệ thống chiếu sáng, cây xanh... Gần đó, mương Nhật Bản (nhánh 2) theo kế hoạch cũng làm cống hộp và xây đường rộng 8-10 m. Khu vực này còn dự án cải tạo kênh Tân Trụ trước đó cũng đã có chủ trương đầu tư.
Nguyễn Tùng