THCL Thời điểm gần Tết là lúc nhucầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao. Đây cũng là lúc hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc được dịp bùng phát khiến người tiêu dùng lo lắng.
Đến Tết lại tăng
Chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2017, thế nhưng, trong những ngày gần đây, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái chiều hướng gia tăng. Những vụ bắt giữ hàng giả, hàng nhái với số lượng khá lớn và rất tinh vi liên tiếp được cơ quan chức năng phát hiện.
Theo số liệu của Cục quản lý thị trường (Bộ công thương), từ đầu năm tới nay, trung bình mỗi tháng cơ quan chống hàng giả thu giữ hàng trăm sản phẩm hàng giả không chỉ là hàng tiêu dùng hàng ngày, mà ngay cả các vật liệu xây thuốc trừ sâu, phân bón, dầu ăn… cũng được làm giả, làm nhái.
Các chợ quận, chợ trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp hàng hóa cho toàn thành phố và các tỉnh lân cận là nơi tiêu thụ lượng lớn hàng nhái, hàng giả. Số lượng tiểu thương kinh doanh cố định lớn cùng lượng hàng hóa lớn đem về doanh thu hàng ngàn tỷ đồng. Với quy mô và doanh thu lớn như vậy, đây là "miếng mồi béo bở" cho hàng giả, hàng nhái xâm nhập.
Hiện nay, các chợ trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh có lượng hàng hóa khá lớn như chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, chợ Tân Định, chợ An Đông và chợ Bà Chiểu..., gần Tết, hoạt động tấp nập hơn thường ngày.
Chợ Bà Chiểu nơi tràn ngập hàng giả, hàng nhái công khai
Chợ An Đông, có 2.702 quầy sạp, doanh số luân chuyển hàng hóa khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. Ngoài các mặt hàng kinh doanh thường thấy tại các chợ, nơi đây được xem là “kinh đô” thời trang luôn cập nhật mẫu mã nhanh nhất. Tại đây, người tiêu dùng có thể mua các sản phẩm “fake” của các thương hiệu quần áo, giày dép nổi tiếng thế giới với giá rẻ hơn các shop.
Tại chợ Bến Thành, có hơn 3.000 sạp hàng, bán sỉ, lẻ từ thực phẩm, vật dụng hàng ngày đến hàng xa xỉ phẩm. Gần đây, chợ Bến Thành nổi lên vấn nạn hàng giả, hàng “fake” từ nhiều mặt hàng.
Hàng hiệu “fake” tràn ngập các chợ
Theo ghi nhận của PV, tại chợ An Đông, (quận 5), không thiếu hàng loạt các sản phẩm thời trang có thương hiệu nổi tiếng thế giới đang bán chạy trên thị trường. Từ quần áo, giày dép, túi xách cho đến mỹ phẩm và đồ điện tử rất đa dạng về chủng loại, phong phú kiểu dáng mẫu mã.
Đáng chú ý, ở đây giá cả của các mặt hàng này đều rất rẻ, rẻ hơn rất nhiều so với giá hàng chính hãng, thậm chí chỉ bằng 1/10. Nhiều loại mỹ phẩm, gồm kem trộn làm trắng da mặt và toàn thân, son môi, giá chỉ từ 50.000 - 350.000 đồng/lọ, tùy loại, đa số các sản phẩm đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, hoặc không có xuất xứ rõ ràng.
Trong chợ mặt hàng thời trang luôn thu hút người mua sắm, đồ trang sức vàng, bạc đính đá xanh, trắng, hồng, không thua hàng thật, thế nhưng giá cũng tầm khoảng 60.000 - 150.000 đồng/sản phẩm tùy loại.
Những chiếc kính mắt hàng hiệu, nước hoa Pháp, những chiếc túi da bóng lộn với đủ màu sắc, kiểu dáng mang nhãn hiệu Gucci, Prada, Versace, Guess, Channel… giá chỉ 550.000 - 780.000 đồng/chiếc.
Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của các nhãn hàng, chủ các quầy hàng đều khẳng định: “Hàng thật phải có giá vài triệu đồng. Anh lấy hàng sỉ em giảm giá cho, đảm bảo với anh hàng y chang”.
Cũng ngay tại chợ Bến Thành (quận 1). Chúng tôi tiếp cận một cửa hàng chuyên bán đồng hồ đeo tay. Ngay tại quầy hàng có rất nhiều loại đồng hồ của các thương hiệu nổi tiếng như Casio, Omega, Orient, Seiko, Citizen… được bày bán. Song giá của các loại đồng hồ ở đây chỉ dao động từ 250.000 – 1.800.000 đồng/sản phẩm. Thấy làm lạ, chúng tôi hỏi thì ông chủ shop hàng không ngần ngại cho biết, đây là hàng “fake” chứ không phải hàng thật.
Đồng hồ "fake" giá rẻ tại chợ Bến Thành
“Tôi chỉ bán hàng fake thôi, chứ hàng hiệu, hàng thật vài chục triệu thì làm gì có tiền mua? Tuy là hàng fake, nhưng y chang hàng thật, anh yên tâm khi sử dụng sau 1 - 2 năm, chỉ cần thay pin thôi chứ không có vấn đề gì cả”, người bán hàng quảng cáo.
Người bán hàng này còn giải thích thêm, người tiêu dùng chưa định hình rõ đâu là đồng hồ hiệu, với họ có chiếc đồng hồ đeo tay y chang hàng thật người bình thường không thể nhận ra được.
“Tùy vào cấp độ của hàng copy nữa, nếu hàng fake cấp 1 thì tốt hơn, khó phát hiện đó là hàng giả hơn, nhưng tất nhiên tiền nào của nấy. Nếu là sinh viên, anh dùng hàng cấp 2 hoặc cấp 3 là được rồi, giá rẻ mà chẳng khác gì hàng thật”, anh bán hàng quảng cáo về dòng đồng hồ cho chúng tôi nghe.
Với mặt hàng được làm giả, sao chép một cách tinh vi giống hàng thật đến như vậy. Có lẽ, ngay cả những người có chút kiến thức hàng hiệu cũng khó mà phân biệt được, chứ đừng nói đến người mua bình thường.
Nguyễn Lánh