Kỳ 2: “Sai phạm chồng sai phạm” TMV quốc tế Euro có được cấp phép hoạt động?

Như thông tin báo TH&CL đã đưa TPHCM: “Loạn” cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp quảng cáo không phép, trước những sai phạm của nhiều cơ sở thẩm mỹ viện như việc quảng cáo rầm rộ, công khai trên nhiều trang mạng xã hội về các dịch vụ làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ dù chưa được cấp phép, khiến khách hàng ngộ nhận cả về dịch vụ lẫn chất lượng, gây biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, phóng viên báo TH&CL đã thực tế tại một số cơ sở làm đẹp trong đó có TMV quốc tế Euro, cho thấy việc tư vấn và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật thẩm mỹ xâm lấn tại các cơ sở này diễn ra phổ biến.

TP.HCM: “Loạn” cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp quảng cáo không phép - Hình 1 TMV quốc tế Euro hoạt động khi chưa được cấp phép

Nằm ngay tại vị trí đắc địa, TMV quốc tế Euro (địa chỉ số 215 đường 3/2, phường 11, quận 10, TP.HCM) dù chưa được cấp phép hoạt động nhưng vẫn quảng cáo, thực hiện dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn không phép như thu nhỏ vùng kín, quầng vú, làm hồng nhũ hoa, hút mỡ bụng, căng da bụng, phẫu thuật ngực, tiêm filler, nâng sửa mũi…

TP.HCM: “Loạn” cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp quảng cáo không phép - Hình 2

Hình ảnh quảng cáo trên mạng xã hội của TMV quốc tế Euro

Trao đổi tại buổi làm việc với phóng viên TH&CL, ông Đỗ Minh Quân, giám đốc công ty cổ phần xuất nhập khẩu MQ (TP.HCM), chủ TMV quốc tế Euro đã xác nhận: “hiện cơ sở TMV quốc tế Euro chưa được cấp giấy phép hoạt động. Cơ sở chỉ thực hiện chăm sóc da thông thường, như mát xa, thư giãn, xông hơi…”. Đồng thời, ông Quân cũng khẳng định cơ sở mình chưa đủ các điều kiện để thực hiện tiêm, chích filler và cả các phẫu thuật khác.

TP.HCM: “Loạn” cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp quảng cáo không phép - Hình 3

Ông Đỗ Minh Quân, giám đốc công ty cổ phần xuất nhập khẩu MQ (TP.HCM), chủ TMV quốc tế Euro

Từ thông tin phản ánh nói trên, ngày 22/4/2019 báo TH&CL đã có công văn số 35/CV-THCLPN gửi Giám đốc Sở Y tế TP.HCM việc làm rõ các vấn đề liên quan của TMV Quốc tế Eurro. Nhưng đến nay đã gần một tháng trôi qua, thông tin trả lời từ Sở y tế TP.HCM vẫn “bặt vô âm tín”?!.  

Như vậy, TMV quốc tế Eurro đang hoạt động khi chưa được cấp phép, quảng cáo rầm rộ các dịch vụ thẩm mỹ, thực hiện tư vấn thẩm mỹ tại cơ sở không nằm trong điều kiện được cấp phép hoạt động của một TMV... Bên cạnh đó, trong cùng hệ thống của công ty cổ phần xuất nhập khẩu MQ, còn có TMV Lọ Lem, tháng 3/2019 vừa qua TMV này đã bị Thanh tra Sở y tế TP.HCM xử phạt gần 40 triệu đồng về hoạt động không có biển hiệu, quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chưa được cơ quan chức năng cho phép… nhưng vẫn tiếp tục sai phạm thì xử lý như thế nào?

Trước việc hoạt động chưa được cấp phép công khai kéo dài, bất chấp các quy định của pháp luật, xem thường sự an toàn và tính mạng khách hàng của hai cơ sở TMV trên, nhưng đến thời điểm này, vai trò và trách nhiệm giải quyết, khắc phục tình trạng hoạt động “chui” của nhiều cơ sở thẩm mỹ này vẫn không được giám sát chặtt chẽ của cơ quan chức năng. Vậy ai là người chịu trách nhiệm trực tiếp khi để TMV không phép hoạt động công khai như vậy? Câu trả lời vẫn ở Sở Y tế TP.HCM?

Quỳnh Hương - Nguyễn Kiên