Nhằm chấm dứt tình trạng chậm triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các trường đại học, cao đẳng trên địa bànTP. HCM, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân trong khu vực quy hoạch, UBND TP. HCM giao  Sở Quy hoạch - Kiến trúc được rà soát các khu vực đã có quy hoạch các khu đại học tập trung để mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, tham gia nghiên cứu tổ chức và góp ý điều chỉnh các quy hoạch phân khu trên đảm bảo hiệu quả giáo dục, hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp đầu tư; đồng thời nghiên cứu bổ sung các chức năng hỗ trợ cho khu đại học tập trung như: chức năng ở cho sinh viên, dịch vụ đô thị... hình thành các khu, cụm đô thị - đại học với sự tương tác hỗ trợ nhau, chia sẻ tiện ích công cộng giữa đô thị và đại học.

TP. HCM: Rà soát, thu hồi hàng loạt khu đất xây trường đại học chậm triển khai - Hình 1

Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ hướng dẫn các nhà đầu tư nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án và giải pháp thực hiện, để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm trên lĩnh vực này; ưu tiên các trường đã có chủ trương của cấp có thẩm quyền, được bố trí tại khu vực quy hoạch; đối với các trường hợp chậm triển khai, không xây dựng lộ trình, kế hoạch hoặc không đảm bảo nguồn lực thực hiện dự án, sẽ được đề xuất thay thế các trường hợp khác có nhu cầu cấp bách.

Đối với khu giáo dục đào tạo đại học Long Phước, phường Long Phước, quận 9, UBND TP yêu cầu nội dung điều chỉnh quy hoạch cần gắn với yêu cầu, mục tiêu phát triển theo cấu trúc đô thị phù hợp mô hình một đô thị sáng tạo, giáo dục đào tạo kết hợp khoa học - công nghệ tại khu vực phía Đông TP. HCM.

Mới đây, tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Đại học Việt Đức, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết thành phố đang hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông gồm quận 2, 9 và Thủ Đức. Khu đô thị rộng hơn 22.000 ha hiện có các thành viên Đại học Quốc gia TP. HCM và 11 đại học khác với trên 100.000 sinh viên, 5.000 giảng viên.

Ông Nhân cho biết, trong tương lai, với bán kính 40 km từ trung tâm khu đô thị sáng tạo này sẽ có 60 đại học với hơn 550.000 sinh viên, hơn 100 khu công nghiệp và khu chế xuất.

Trước đó, UBND TP. HCM đã giao huyện Bình Chánh hoàn tất việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình sau 2 năm lỡ hẹn của dự án này.

Theo kế hoạch, dự án Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình tại khu 6A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh có quy mô 5,2 ha với 500 giường bệnh. Tổng mức đầu tư khoảng 1.680 tỷ đồng, dự kiến khởi công cuối năm 2016 và hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, do vướng đền bù, giải phóng mặt bằng, đến nay dự án vẫn dang dở.

TP. HCM: Rà soát, thu hồi hàng loạt khu đất xây trường đại học chậm triển khai - Hình 2

Phối cảnh Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. HCM

Việc xây dựng các bệnh viện tại cửa ngõ thành phố nhằm giảm tải cho các bệnh viện trung tâm. Đây là quy hoạch phát triển ngành y tế TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 của TP. HCM.

Ngoài bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, TP. HCM còn đốc thúc huyện Bình Chánh hoàn thành dự án bồi thường tại Cụm Y tế Tân Kiên - Bình Chánh (Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cơ sở 2, Bệnh viện thực hành của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Truyền máu huyết học, Bệnh viện Bình Dân, Trung tâm Pháp Y…).

Hải Đăng