Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.
Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nội dung của Chương trình để thúc đẩy phát triển du lịch đến năm 2025 và các năm tiếp theo, tạo sự chuyển biến mới trong phát triển du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch TP. Hồ Chí Minh.
TP. Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, mỗi huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ) xây dựng ít nhất từ 01 sản phẩm tại điểm du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với phát huy giá trị văn hóa, cộng đồng trong không gian nông nghiệp, nông thôn; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó, phấn đấu xây dựng 02 mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; 100% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.
Phấn đấu có 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ, mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên thành thạo ngoại ngữ.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm, điểm du lịch nông thôn và tiếp tục cập nhật bản đồ sản phẩm OCOP gắn với du lịch TP. Hồ Chí Minh.
Hoàng Bách (t/h)