Theo Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, việc đầu tư hàng loạt nút giao là phải đảm bảo nguyên tắc ưu tiên, đảm bảo mục tiêu kết nối đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, phải có tác động lan toả, tạo động lực kích thích sự phát triển giao thông thành phố và vùng; phù hợp với định hướng phát triển không gian đô thị trên cơ sở hành lang phát triển.

Đường Nguyễn Duy Trinh đoạn giao với đường Nguyễn Thị Định sẽ được xây dựng nút giao thông để giải quyết ùn tắc - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Đường Nguyễn Duy Trinh đoạn giao với đường Nguyễn Thị Định sẽ được xây dựng nút giao thông để giải quyết ùn tắc - Ảnh: ĐỨC PHÚ.

Các nút giao giao thuộc danh mục đầu tư gồm các dự án theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030. Các nút giao này chưa đảm bảo loại hình nút giao khác mức theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2022-2025 cần sớm đầu tư 16 nút giao. 

Theo kế hoạch đầu tư trung hạn cần khoảng gần 400 tỷ đồng để đầu tư các nút giao này.

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, thành phố có 102 nút giao thông và các nút này đều có tình trạng giao thông kém nhưng đến nay thành phố mới chỉ mới đầu tư được khoảng 30% và đây là tỉ lệ khá chậm. Trước mắt, sở cũng chỉ có thể xin xây dựng trước 16 nút giao thông. Trong đó nút ngã tư Đình ở quận 12 đã hoàn tất mọi thủ tục chỉ còn đợi vốn của Nhà nước.

16 nút giao được kiến nghị đầu tư trong đó các nút giao đã được HĐND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt chủ trương đầu tư gồm: Nút giao Linh Xuân (QL1- QL1K), TP Thủ Đức; Nút giao Ngã tư Bốn xã (Thoại Ngọc Hầu - Hương lộ 2), quận Bình Tân và Tân Phú; Nút giao Ngã 7 Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong, quận 10; Nút giao Nguyễn Thị Định - Nguyễn Duy Trinh, TP. Thủ Đức; Nút giao Ngã 6 Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Chí Thanh, quận 10; Nút giao Ngã tư Đình (QL1 - Nguyễn Văn Quá), quận 12.

Các nút giao chưa được phê duyệt: Nút giao QL1 - đường Vườn Lài, quận 12; nút giao Bà Điểm (QL1 - Phan Văn Hớn), quận 12; nút giao Nguyễn Kiệm - Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận; nút giao Ngã tư Thủ Đức, TP. Thủ Đức; nút giao Hoà Bình - Lạc Long Quân, quận 11; nút giao Lý Thường Kiệt - Đường Ba Tháng hai, quận 11; nút giao Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị, Gò Vấp; nút giao Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình; nút giao Lạc Long Quân - Âu Cơ, quận Tân Phú; nút giao Ngã 5 Đài Liệt sĩ, quận Bình Thạnh.

Hiện nay TP. Hồ Chí Minh có 19/102 nút giao, đạt tỉ lệ khoảng 28%. Trong đó, hiện có 18/68 nút giao trên các tuyến vành đai, cao tốc, quốc lộ 27% và 11/34 nút trên các tuyến nội đô với 23%.

Nguyễn Tùng