Theo ông Trần Quang Lâm, việc xử phạt vi phạm giao thông được Sở Giao thông Vận tải và Công an TP. Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện tốt. 

Cụ thể, ngành Giao thông TP. Hồ Chí Minh đã lắp 22 máy bắn tốc độ tự động trên 14 tuyến đường các cửa ngõ, dữ liệu được truyền về Công an thành phố để xử phạt nguội.

Biển cảnh báo phạt nguội bằng camera trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh). Ảnh: MINH QUÂN
Biển cảnh báo phạt nguội bằng camera trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh). Ảnh MINH QUÂN.

Mặt khác, Sở Giao thông Vận tải thành phố cũng đã lắp 28 camera trên 28 tuyến đường để phạt nguội các hành vi đi vào đường cấm, giờ cấm, xe dừng đỗ không đúng quy định… Dữ liệu này cũng được chuyển về Công an thành phố hoặc Thanh tra Sở Giao thông vận tải để xử lý.

Với những nỗ lực trên, trong năm 2023, tình hình tai nạn giao thông tại TP. Hồ Chí Minh giảm cả 3 tiêu chí, gồm số vụ, số người chết và số người bị thương, với tỷ lệ giảm trung bình từ 15-21% mỗi tiêu chí so với năm 2022.

Để đạt được kết quả này, ngoài đầu tư hạ tầng, các giải pháp quản lý giao thông khoa học thì có vai trò rất lớn của ngành công an. Các đơn vị đã tuần tra, xử phạt rất nghiêm, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn.

Ngoài ra, công tác phối hợp xử phạt vi phạm giao thông được Sở Giao thông Vận tải và Công an TP. Hồ Chí Minh phối hợp tốt.

Cũng theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, thành phố là địa phương đi đầu sử dụng công nghệ trong xử phạt xe quá tải. Hiện TP. Hồ Chí Minh có 6 trạm cân xe quá tải ở cửa ngõ, trong đó có 3 trạm cân tự động xử phạt nguội đi vào hoạt động từ tháng 11/2023.

Các trạm cân hoạt động rất hiệu quả khi trong năm 2023, ngành chức năng đã phạt các phương tiện vi phạm với số tiền hơn 15 tỉ đồng. Lũy kế đến nay đã phạt hơn 200 tỷ đồng các phương tiện vi phạm quá tải phát hiện từ các trạm cân.

Phong Vân