Theo đánh giá của Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương (Tổ công tác đặc biệt), trong 2 ngày đầu tiên TP. Hồ Chí Minh thực hiện quy định tăng cường giãn cách xã hội, chỉ một số đối tượng theo quy định được ra khỏi nhà, người dân không tự đi mua hàng thực phẩm thì việc cung ứng hàng hóa cho người dân thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ” do các tổ chức đoàn thể tại địa phương phối hợp cùng lực lượng công an, quân đội thực hiện với tần suất 1 lần/tuần tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

Nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân
Nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân

Cụ thể, Tổ công tác đặc biệt ghi nhận, trong khi một số hệ thống phân phối hiện đại, một số điểm bán của siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm đóng cửa do chưa bố trí được nhân viên làm việc thì nhiều điểm bán của các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Co.op Food, Satra Food, Central Retail, Aeon Việt Nam, Emart Việt Nam… tạm dừng hoạt động đón khách mua sắm trực tiếp, tập trung vào việc soạn hàng, đóng vỉ, gắn tem giá theo đơn hàng.

Việc này nhằm thực hiện phương án cung ứng hàng hóa mới cho TP. Hồ Chí Minh. Các hệ thống siêu thị có nhiệm vụ soạn sẵn các combo hàng hóa phân theo mức giá trị của gói hàng hoặc theo các loại hàng hóa như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, đồ dùng gia dụng… sẵn sàng phối hợp với chính quyền địa phương để cung ứng hàng hóa cho người dân.

Bên cạnh đó, một số siêu thị vẫn nhập số lượng hàng bình thường để phục vụ người dân, một số siêu thị nghe ngóng sức mua của người dân để nhập hàng. Nhiều hệ thống phân phối cũng cho biết không thiếu hàng, sẵn sàng linh động theo thị trường. Nhưng do đặc thù hàng hóa có hạn sử dụng ngắn nên các ngày đầu đơn vị có thể giảm nguồn cung hàng tươi sống để đo lường sức mua, khi cần sẽ tăng lại ngay. Ngoài ra, các siêu thị sẽ điều chuyển lượng hàng từ điểm này sang điểm khác để cân đối nguồn cung phù hợp với sức mua.

Hà Trần