Tới tiêm phòng vắc xin mũi thứ 3 bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chị Ngô Thị Huê, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên cho biết: Cả gia đình tôi đều thích nuôi chó và duy trì nuôi từ 5 - 7 con hơn chục năm nay. Ngày 19/3, khi đi làm đồng về, chỉ với hành động dậm chân, quát chó, tôi đã bị chó tấn công, cắn vào bắp chân. Do chó chưa được tiêm vắc xin phòng dại nên tôi đã đến trung tâm để tiêm vắc xin phòng dại, tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng uốn ván.

Chị Huê tiêm vắc xin phòng bệnh dại mũi thứ 3 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Chị Huê tiêm vắc xin phòng bệnh dại mũi thứ 3 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Cũng đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh từ sớm để tiêm vắc xin phòng dại do chó nhà hàng xóm vừa đẻ cắn, anh Trần Văn Tuấn, phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên cho biết: Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, số người bị chó cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại và tử vong vì bệnh dại có xu hướng tăng. Để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tôi đã dành 1 triệu đồng để tiêm 5 mũi vắc xin phòng bệnh dại, tránh để sau này bị bệnh mới nói “giá như”.

Bác sỹ Tạ Đình Đề, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế cho biết: Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại hoặc qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung, ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại. Sau từ 2 – 8 tuần bị động vật cắn, người mắc bệnh dại sẽ có các triệu chứng: Sốt, nhức đầu, suy nhược, tê liệt, co thắt cơ, nuốt khó, co giật. Đặc biệt, bệnh dại không có thuốc chữa, hiệu quả nhất là phòng ngừa thông qua tiêm chủng vì khi đã lên cơn dại, cả người và động vật đều tử vong.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, số lượng đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh được tiêm vắc xin phòng bệnh dại đạt tỷ lệ rất thấp, dưới 30% tổng đàn nên nguy cơ phát sinh và lây lan bệnh dại rất cao.

Trước tình hình này, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó nuôi như: Tiêm vắc xin phòng bệnh dại, không để chó chạy rông, đeo rọ mõm và có người dắt khi đưa chó ra ngoài. Lập sổ theo dõi, quản lý đàn chó, mèo nuôi theo quy định; thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu vực dân cư. Xử lý nghiên các trường hợp để chó, mèo chạy rông, không chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo. Bố trí kinh phí, nguồn lực, tổ chức tiêm vắc xin, bảo đảm mỗi con chó, mèo được tiêm  phòng bệnh dại 1 lần/năm và đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn. Cùng với đó, xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh dại; duy trì hiệu quả vùng an toàn dịch bệnh dại tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo; phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên; phường Hùng Vương, thành phố Phúc Yên; thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô…

Thực hiện các nhiệm vụ được giao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện các ca bệnh dại với sự tham gia, hỗ trợ của cộng đồng dân cư. Đồng thời, phổ biến các điểm tiêm phòng bệnh dại; tuyên truyền, hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến cơ sở y tế để được điều trị dự phòng. Các sở Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền Thông, các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sức lan tỏa để người dân chủ động, tích cực tham gia phòng, chống bệnh dại.

Hà Trần (t/h)