Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công điện có nội dung: Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh Dại trên cả nước gia tăng đột biến, với 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp), đồng thời ghi nhận 45 ca bệnh Dại trên động vật tại 22 tỉnh, thành phố. Nguy cơ bệnh Dại xuất hiện trên địa bàn tỉnh rất cao, nhất là trong điều kiện thời tiết chuẩn bị chuyển sang mùa nắng nóng; nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh Dại và các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế; tình trạng chó, mèo thả rông còn phổ biến; tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng vắc xin Dại còn thấp.

Để chủ động ngăn chặn bệnh Dại phát sinh, không để tình trạng động vật có khả năng gây bệnh Dại, đặc biệt là chó, mèo thả rông, gây nguy hiểm cho người, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 230/UBND-VP3 ngày 8/3/2024 của UBND tỉnh về thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện ngay một số nội dung.

UBND các huyện, thành phố: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý, tiêm vắc xin Dại cho chó, mèo; không thả rông chó, mèo; khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, nơi đông người phải được đeo rọ mõm, có dây xích và người dắt; thực hiện đầy đủ việc tiêm và điều trị dự phòng khi bị động vật, đặc biệt là chó, mèo cắn.

Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn được tiêm phòng Dại trong năm 2024 và các năm tiếp theo; chủ động bố trí đủ nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dại, nhất là việc tiêm vắc xin Dại cho chó, mèo. Chỉ đạo UBND cấp xã chủ động, kịp thời thực hiện việc giám sát, phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; thống kê, tổng hợp, báo cáo đầy đủ, chính xác thông tin về các hộ nuôi chó, số chó nuôi, kết quả tiêm phòng vắc xin Dại và tình hình bệnh Dại theo quy định;

Thành lập các đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dại và quản lý chó, mèo, nhất là những nơi có tỷ lệ tiêm phòng Dại cho chó, mèo đạt thấp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý, tiêm phòng Dại cho chó, mèo. Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra trường hợp chó Dại cắn người gây tử vong.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì tổ chức giám sát, cảnh báo, chia sẻ thông tin, điều tra, hướng dẫn xử lý ổ dịch, đánh giá nguy cơ và tham mưu triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dại. Tổng hợp, báo cáo đầy đủ, chính xác thông tin về số hộ nuôi, số chó nuôi, tiêm phòng vắc xin bệnh Dại và tình hình bệnh Dại trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật (VAHIS). Thành lập các đoàn kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh Dại tại các địa phương.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bệnh Dại, kịp thời chia sẻ thông tin về bệnh Dại trên người; hướng dẫn, tổ chức thực hiện, đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng Dại cho người.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện truyền thông học đường về phòng, chống bệnh Dại.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh Dại.

Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dại.

Nguyệt Ánh