Cấp cứu thành công nhiều ca bệnh khó
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Phong cho biết: Ngày 28/3 vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Yên Phong cấp cứu thành công một bệnh nhân phản vệ độ 3 đe dọa tính mạng. Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lào nhiều năm, dị ứng không rõ dị nguyên. Tại nhà, bệnh nhân tự mua thuốc điều trị do bị ho, sốt theo cơn, sau đó được người nhà đưa vào viện khi đột ngột xuất hiện cơn khó thở, thở rít khàn tiếng, ho tăng, kèm theo khó thở tăng dần.
Khi nhập viện, bệnh nhân kích thích, vật vã, tăng tiết đờm dãi, thở mạnh, rút lõm cơ hô hấp phụ, môi chi tím, khó thở nhiều, vã mồ hôi lạnh… Chẩn đoán bệnh nhân phản vệ độ 3 do thuốc, các bác sĩ nhanh chóng xử trí đặt nội khí quản cấp cứu, thở máy, đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm, bù dịch, dùng thuốc chống sốc theo phác đồ. Sau một ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh, không đỏ da, cai thở máy, tự thở oxy qua nội khí quản SPO2 99%, huyết áp ổn định.
Nhờ được xử trí cấp cứu phản vệ kịp thời, tích cực, diễn tiến lâm sàng bệnh nhân cải thiện rõ rệt, chức năng sống dần trở về bình thường và tiếp tục được theo dõi tránh tái sốc. Đây cũng là ca bệnh đánh dấu việc triển khai thành công kỹ thuật vượt tuyến đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm tại Trung tâm Y tế huyện Yên Phong.
Cũng trong ngày 28/3, một bệnh nhi 12 tuổi được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Yên Phong sau khi đột ngột cảm thấy trống ngực, cảm giác khó thở, khám tại phòng khám tư và được phát hiện cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất. Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định bệnh nhân có cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, tiên lượng nặng. Sau khi được xử trí thở oxy, lập đường truyền, 2 lần tiêm Adenosin, bệnh nhân còn mệt, điện tim trên monitoring còn hình ảnh cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, bệnh viện chuẩn bị phương tiện sốc điện cấp cứu chuyển nhịp, tiến hành tiền mê, sốc điện đồng bộ năng lượng 70 Jun.
Sau sốc điện, bệnh nhân ngủ yên, thở oxy môi hồng; theo dõi liên tục sau sốc điện 30 phút, trẻ tỉnh, tự thở môi chi hồng, không khó thở, không hồi hộp trống ngực, tim nhịp đều, phổi không ran… Sau 2 ngày điều trị, sức khỏe bênh nhân ổn định, được xuất viện.
Ngày 11/4, Trung tâm Y tế huyện Yên Phong lần đầu triển khai kỹ thuật thở oxy lưu lượng cao HFNC trong cấp cứu một bệnh nhân 66 tuổi suy hô hấp có tiền sử suy tim, tăng huyết áp và COPD nhiều năm nay.
Liên tiếp nhiều ca bệnh nguy hiểm tính mạng được cấp cứu, xử trí kịp thời tại Trung tâm Y tế huyện Yên Phong trong thời gian qua là kết quả bước đầu tích cực của chương trình hợp tác giữa đơn vị với chuyên gia về lĩnh vực Hồi sức cấp cứu trong hoạt động hỗ trợ chuyên môn nhằm nâng cao năng lực về hồi sức cấp cứu. Bác sĩ Nguyễn Thị Thuỳ Dương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Phong cho biết, từ tháng 2-2024 Trung tâm mời Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS Mai Xuân Hiên, nguyên Chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Quân y 103 làm cố vấn chuyên môn.
Nâng cao năng lực chuyên môn
PGS.TS Mai Xuân Hiên tham gia khám bệnh, đi buồng, trực tiếp hỗ trợ, cố vấn chuyên môn cho các ca bệnh khó trong điều trị nội khoa và hồi sức, đồng thời trực tiếp giảng dạy, đào tạo cho các y, bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Yên Phong để nâng cao chất lượng chuyên ngành Nội khoa và Hồi sức tại đây.
“Đặc biệt, khi có ca bệnh nặng, các bác sĩ của đơn vị có thể xin ý kiến chỉ đạo chuyên môn của PGS.TS Mai Xuân Hiên thông qua hội chẩn trực tiếp hoặc trực tuyến, nhờ đó công tác triển khai điều trị cho người bệnh kịp thời và hiệu quả hơn”, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Phong nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Vân, khoa Phẫu thuật gây mê - Hồi sức tích cực, Trung tâm Y tế huyện Yên Phong chia sẻ: “Trước đây, những ca bệnh nặng vượt quá khả năng chuyên môn đều phải chuyển tuyến, thì nay với sự hỗ trợ chuyên môn từ PGS.TS Mai Xuân Hiên, chúng tôi đã có thể tự tin điều trị.
Đối với những kỹ thuật mới được triển khai gần đây như: Đặt ống nội khí quản thở máy, đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm, shock điện cấp cứu chuyển nhịp, thở HFNC… đều có sự hướng dẫn tận tình của thầy. Việc mời chuyên gia tham gia hội chẩn trực tiếp hay trực tuyến khi có ca bệnh nặng cũng giúp các bác sĩ có phương án điều trị tối ưu nhất cho người bệnh. Các chuyên đề chuyên môn được giảng dạy trực tiếp căn cứ trên diễn biến thực tế của người bệnh nên rất dễ tiếp thu, vận dụng”.
Song song với mức độ phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu trong khám, chữa bệnh, vị thế và uy tín các cơ sở y tế còn được đánh giá bởi năng lực về hồi sức cấp cứu và các yếu tố khác. Những tín hiệu tích cực từ thực tế công tác hồi sức cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Yên Phong cho thấy định hướng đúng đắn trong nỗ lực nâng cao chất lượng toàn diện của đơn vị.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương nhấn mạnh: Trong thời gian tới đơn vị tiếp tục tổ chức đào tạo tại chỗ cho đội ngũ cán bộ bằng nhiều hình thức để tất cả, Y, Bác sĩ nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, người bệnh được điều trị ngay tại tuyến huyện, không phải chuyển tuyến, giảm gánh nặng quá tải cho bệnh viện tuyến trên, giảm chi phí đi lại cho người bệnh.
Bá Đoàn