Đào tạo sinh viên nhân cách tốt, chuyên môn sâu
Khối lượng chương trình nhà trường đào tạo gồm 3 khối môn học. Khối các môn học chung: Các môn học này đáp ứng yêu cầu phát triển nhân cách chung của người lao động trong xã hội. Thời gian dành cho khối này chiếm khoảng 10% đến 15% thời gian đào tạo.
Khối các môn cơ sở: Cung cấp kiến thức làm nền tảng để sinh viên có khả năng tiếp thu các kiến thức chuyên sâu hơn, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong quá trình mở rộng và nâng cao trình độ chuyên môn cho người cán bộ y tế trong thực tiễn. Tỷ lệ khối này khoảng 25 - 30 % thời gian đào tạo.
Học mô phỏng
Khối các môn chuyên ngành: Trên nguyên tắc các môn học có hai phần là kiến thức và thực hành nghề nghiệp. Tuy nhiên, thời gian học thực hành có thể bố trí học xen kẽ với học lý thuyết hoặc thực hành tại labo nhà trường (dạy học mô phỏng) hoặc dạy học thực hành tại bệnh viện (thực hành lâm sàng có người bệnh) và thực hành tại cộng đồng. Trong quá trình học thực hành sẽ có chỉ tiêu thực hành nghề nghiệp cụ thể theo mức độ tăng dần qua các kỳ học, theo chuyên ngành.
Sinh viên thực hành trong phòng thí nghiệm của nhà trường
Liên kết trong đào tạo
Ngoài những kiến thức chuyên thực hành trong phòng thí nghiệm, bệnh viện và cộng đồng là điều kiện không thể thiếu trong chương trình đào tạo các chuyên ngành y tế. Ở hầu hết các nước trên thế giới, các trường Y thường có bệnh viện thực hành trực thuộc trường. Đây là nơi để học sinh, sinh viên (HSSV) đến học tập lâm sàng - thực tập nghề nghiệp trước khi trở thành nhân viên y tế.
Hiện nay, ở Việt Nam có rất ít bệnh viện thực hành riêng trực thuộc trường. Do tính đặc thù này, để đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội đã kết hợp chặt chẽ với Viện Y học Phòng không – Không quân trong công tác giảng dạy lâm sàng – thực hành, thực tập nghề nghiệp trước khi trở thành nhân viên y tế.
Kết hợp Viện - Trường: Không chỉ tạo điều kiện cần thiết cho trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội trong công tác đào tạo, mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân tại Viện Y học Phòng không – Không quân. Những cán bộ, giảng viên của nhà trường vừa là những cán bộ y tế có kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy, đồng thời là những cán bộ y tế giỏi lâm sàng trong lĩnh vực khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân.
Như vậy, bệnh viện thực hành có thêm một đội ngũ cán bộ chuyên môn có năng lực bên cạnh các cán bộ trong biên chế cùng tham gia vào công tác khám chữa bệnh. Cán bộ y tế tại Viện Y học Phòng không – Không quân tham gia giảng dạy thực hành cho sinh viên tạo thành mối quan hệ đan xen, vừa giúp Nhà trường đào tạo cán bộ y tế có chất lượng, vừa giúp Viện hoàn thành tốt công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
Sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và bệnh viện để sinh viên có cơ hội nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết hợp Viện - Trường trong công tác đào tạo HSSV tại các bệnh viện, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 09/2008/TT-BYT ngày 01/8/2008 Hướng dẫn việc kết hợp giữa các cơ sở đào tạo cán bộ y tế với các bệnh viện thực hành trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trong thời gian qua, sự kết hợp giữa Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội và Viện Y học Phòng không – Không quân đã đạt được một số kết quả tốt đẹp. Về mặt tổ chức cán bộ: đã có sự lồng ghép giữa lãnh đạo trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội và lãnh đạo Viện Y học Phòng không – Không quân, kết hợp giữa các bộ môn của trường và khoa phòng của Viện; kết hợp tốt trong việc tổ chức học tập và quản lý sinh viên tại Viện.
Đó là sự lồng ghép trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội và Viện Y học Phòng không – Không quân nhằm hoàn thành mục tiêu và nâng cao chất lượng đào tạo.
Một trong những mục tiêu hàng đầu của Nhà trường đó là 100% sinh viên sau khi hoàn thành chương trình học tại trường phải làm được việc. Chính vì thế, để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người học, Nhà trường đã tăng số tiết học thực hành để sinh viên được thực hành, thực tập và vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn.
Linh Tuệ