Vốn là địa bàn trũng nhất của huyện Chương Mỹ, thầy và trò của các trường học ở xã Nam Phương Tiến đã khá quen với việc “chạy lũ”. Tuy nhiên, trận mưa lũ hồi cuối tháng 7 vừa qua đã khiến nhiều trường trên địa bàn bị thiệt hại nặng, không thể tổ chức các hoạt động giáo dục. Thống kê sơ bộ, toàn xã có 37 phòng học và nhiều trang thiết bị, đồ dùng bị hư hỏng nặng.
“Trường THCS Nam Phương Tiến A là trường khó khăn nhất của xã, nay chịu ảnh hưởng của trận mưa lũ lại càng thêm khó khăn. Bức tường bao quanh sân trường vừa xây dựng lại nay bị đổ một phần. Cả 7 phòng học bị ẩm khá nhiều. Mặc dù đã được kê xếp lên tầng 2, nhưng hầu hết bàn ghế, trang thiết bị dạy học vẫn bị hư hỏng nặng do trải qua nhiều lần dịch chuyển vì mưa lũ” - thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Phương Tiến A cho biết. Cách đây vài hôm, khi nước rút khỏi sân trường, 23 cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường cùng một số học sinh đã khẩn trương đến trường dọn dẹp, làm vệ sinh từng phòng học, kiểm tra, rà soát các trang thiết bị dạy học và xác định mức độ hư hỏng để chủ động chuẩn bị, bảo đảm cho công tác dạy và học được triển khai vào ngày 15/8.
Vệ sinh môi trường chuẩn bị đón năm học tại Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A
Cách đó không xa, Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A cũng tổ chức cho học sinh tựu trường vào ngày 15/8. Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Loan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trận mưa lũ đã khiến khá nhiều đồ dùng dạy học, sách vở, tài liệu... bị ẩm và hư hỏng. Gần một tuần nay, ngày nào các thầy, cô giáo của nhà trường cũng có mặt ở trường từ sáng sớm đến tối muộn để làm công tác vệ sinh, kê xếp, lau chùi bàn ghế, trang thiết bị... Năm nay, nhà trường có 250 học sinh, song do học sinh tiểu học còn nhỏ, gia đình nhiều em cũng bị ảnh hưởng nặng bởi mưa lũ nên các thầy, cô lại đảm nhiệm mọi phần việc với mong muốn các em yên tâm, sẵn sàng bước vào năm học mới. Cùng chung không khí với các trường học trên địa bàn, Trường Mầm non Nam Phương Tiến A cũng đã tổ chức đón trẻ trở lại để tạo điều kiện cho phụ huynh yên tâm đi làm, khắc phục hậu quả của thiên tai, dần ổn định cuộc sống.
Tại huyện Quốc Oai, công tác chuẩn bị cho năm học mới 2018/2019 cũng đã hoàn tất. Ông Nguyễn Khắc Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Đợt mưa lũ vừa qua khiến 1 điểm Trường Mầm non Tuyết Nghĩa và 1 điểm Trường Mầm non Cấn Hữu bị ngập. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, công tác khắc phục hậu quả đã được hoàn tất. Cả hai điểm trường không bị thiệt hại nhiều bởi hầu hết bàn ghế, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đã được các cô giáo chủ động di chuyển, kê lên cao.
Ngay giữa những ngày nước lớn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng đã trực tiếp tới các trường học ở địa bàn bị ảnh hưởng bởi thiên tai để động viên các thầy, cô giáo. Giám đốc Sở đã trao kinh phí hỗ trợ ban đầu cho 5 trường học của huyện Chương Mỹ, mỗi trường 200 triệu đồng; trao hỗ trợ cho 2 điểm trường mầm non của huyện Quốc Oai, mỗi đơn vị 100 triệu đồng. Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam cũng đã hỗ trợ 5 trường học của huyện Chương Mỹ mỗi đơn vị 20 triệu đồng và 1 chiếc xuồng để sử dụng khi cần.
Với tinh thần tương thân tương ái, nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố cũng đã phát động ủng hộ, quyên góp trang thiết bị, bàn ghế, đồ dùng, đồ chơi... nhằm chung sức với thầy, trò các trường học bị thiệt hại do mưa lũ nhanh chóng ổn định hoạt động dạy và học. Thống kê từ Công đoàn ngành Giáo dục Thủ đô, tính đến ngày 14/8, các đơn vị đã ủng hộ 150 bộ bàn ghế, hơn 30 bộ máy tính, gần 1 nghìn chiếc cốc, 50 nghìn quyển vở, hơn 10 nghìn quyển sách giáo khoa, 30 bộ giường ngủ bán trú 3 tầng, 200 chiếc chăn dạ, gần 500 bộ quần áo, 100 chiếc quạt trần cùng hàng trăm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho việc chăm sóc, dạy học ở các nhà trường.
Nhằm hỗ trợ các trường học ở vùng lũ nhanh chóng khắc phục hậu quả, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân đã hỗ trợ 30 triệu đồng. Nhiều trường học ở các quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng... cũng đang tiếp tục rà soát lại các trang thiết bị, đồ dùng dạy học... của đơn vị mình để có thể hỗ trợ được nhiều nhất, với mong muốn làm vơi đi nỗi vất vả của thầy và trò vùng lũ.
Theo chỉ đạo của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, sau khi nước rút, các nhà trường cần lưu ý đến việc phát hiện các nguy cơ mất an toàn do ngập úng gây ra như kiểm tra móng nhà, tường, trần, mái che, hệ thống thoát nước, cây có nguy cơ gãy, đổ... để kịp thời có biện pháp khắc phục, tuyệt đối không để xảy ra tai nạn thương tích. Mỗi trường học cần tổ chức ít nhất 1 buổi tuyên truyền để giáo viên, học sinh biết cách phòng, chống dịch bệnh và phòng chống tai nạn thương tích.
Hằng Vương (T/h)