Theo lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, trong quý I/2017 đã có một số doanh nghiệp truyền hình trả tiền nộp phí theo quy định, việc triển khai thu phí theo quy định mới chưa phát sinh khó khăn.

Theo quy định mới nhất, bắt đầu từ năm 2017 các doanh nghiệp truyền hình trả tiền phải đóng phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền là 0,3% trên doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.

Trong khi các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền đang chịu nhiều áp lực về cạnh tranh, về đầu tư nội dung và khai thác và rất nhiều chi phí phải cõng trên lưng, thì ngược lại các đối tượng khai thác trái phép nội dung thông qua mạng internet hay các thiết bị OTT, khai thác qua internet vẫn chưa có 1 chế tài nào để kiểm soát.

Trước đó vào tháng 5/2016, VTVcab đã bị đối tác nước ngoài ngừng cung cấp tín hiệu phát sóng Cúp C1 đúng vào giai đoạn hấp dẫn nhất mà nguyên nhân chính là do bị nhiều đơn vị khác xâm phạm bản quyền. Cho đến tháng 9/2016, sau nhiều nỗ lực đàm phán, cùng với những cam kết thực hiện bảo vệ bản quyền nghiêm ngặt, VTVcab mới được cấp lại quyền phát sóng. Và lần này, sự cố trên lại lặp ra vào đúng thời điểm cùng kỳ năm ngoái.

Truyền hình trả tiền sẽ “chết lâm sàng” vì nạn vi phạm bản quyền - Hình 1

Dù đã nhận thông báo từ VTVcab,nhưng vẫn rất nhiều đơn vị vẫn phớt lờ nội dung thông báo

Trong tháng 3 vừa qua, VTVcab liên tục gửi văn bản kêu cứu Bộ TT&TT vì bị nhiều tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử vi phạm bản quyền phát sóng với 2 giải bóng đá Champions League và Europa League tại Việt Nam (thường được gọi là Cúp C1) mà VTVcab độc quyền được cung cấp bản quyền phát sóng hình ảnh của 2 giải đấu này trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Trước tình trạng bị xâm hại bản quyền nghiêm trọng, VTVcab một mặt kêu cứu lên Bộ TT&TT, C50 - Bộ Công an, Cục An ninh Thông tin Truyền thông - Bộ Công an, một mặt VTVcab đang thực hiện các thủ tục cần thiết để khởi kiện các trang web cố tình vi phạm bản quyền. 

Theo đại diện VTVcab, các trang báo và trang thông tin điện tử có tên trong văn bản mà VTVcab gửi lên Bộ TT&TT đã rút các video vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, VTVcab lại tiếp tục phát hiện một số đơn vị vẫn sử dụng những video vi phạm bản quyền, bất chấp cảnh báo của VTVcab. Đối tác cung cấp bản quyền cho VTVcab mới đây đã yêu cầu VTVcab phải xử lý triệt để vấn đề vi phạm bản quyền Cúp C1.

Trong khi các doanh nghiệp truyền hình trả tiền đang cố gắng hết sức đầu tư những nội dung có chất lượng để phục vụ khách hàng, thì ngược lại, họ đang rất đơn độc vì không có 1 đơn vị hay cơ quan nào đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ 1 cách quyết liệt.

Trước đó, dù đã nhận thông báo từ VTVcab, nhưng gần như các trang báo mạng, các đối tượng khai thác dịch vụ qua internet hay các Andoird box(OTT) vẫn phớt lờ quy định này, họ hiển nhiên và nắm rõ nội dung là chưa có 1 quy định nào hay 1 văn bản nào chế tài việc vi phạm này.

Vậy cuối cùng, chính việc không có 1 chế tài kịp thời hay 1 giải pháp khống chế các đơn vị khai thác trái phép nội dung bản quyền từ các cơ quan quản lý, đã khiến khách hàng xem truyền hình thiệt hại về nhiều mặt.

Phú Trung