Ám ảnh “cát tặc”

Ngày 13/12 vừa qua, tại nghị trường kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa trả lời chất vấn: Có hay không việc công an bảo kê tín dụng đen? Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã cương nghị trả lời: “Tôi hứa sẽ siết chặt kỷ cương khi phát hiện các cán bộ, chiến sĩ bảo kê”.

Có lẽ, hàng nghìn hộ dân dọc các tuyến sông Mã, sông Chu, sông Lạch Trường....chảy qua các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc... cũng đang rất muốn được nghe một lời hứa tương tự từ phía Thiếu tướng và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trước hoạt động của tội phạm môi trường. Cụ thể, là tội phạm khai thác cát trái phép đang có dấu hiệu diễn ra công khai, rầm rộ khiến những “bờ xôi, ruộng mật” của người nông dân bị cuốn trôi theo dòng nước xiết, bởi những chiếc vòi “bạch tuộc” đua nhau tấn công.

Cách đây 3 năm khi mới về Thanh Hóa công tác, PV nhận được phản ánh của người dân sinh sống dọc bờ sông Chu đoạn chảy qua các xã Thiệu Quang, Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) về một “đại công trường” diễn ra rầm rộ trên tuyến sông này. “Đại công trường” của “cát tặc” thời điểm nóng có tới 15 – 20 tàu đậu thuyền từ giữa lòng sông đến sát bờ ruộng cắm những chiếc “vòi bạch tuộc” khổng lồ ngang nhiên khai thác từ 23 giờ đêm cho tới 8 giờ sáng hôm sau. Tại thời điểm đó, lãnh đạo xã Thiệu Nguyên cho biết, chỉ trong vài năm trở lại đây, xã này mất tới 116,3 ha đất nông nghiệp, ảnh hưởng tới đời sống của gần 200 hộ dân.

Từ vụ 11 tàu “cát tặc” oanh tạc sông Mã (Thanh Hóa): Đừng để hoạt động bảo kê tồn tại trong cuộc chiến chống tội phạm môi trường? - Hình 1

Cuộc sống sản xuất của người dân sinh sống dọc tuyến sông trên địa bàn Thanh Hóa ảnh hưởng nặng nề từ nạn "cát tặc" vì mất đất canh tác

Xót xa trước những thửa ngô, khoai... khổ công cực nhọc chăm bón cứ lần lượt bị cuốn xuống dòng sông. Căm phẫn trước thái độ ngang nhiên hoạt động của cát tặc, người dân các địa phương này đã lập chòi gác, dưới chân các chòi đủ các thứ "vũ khí" như: Gạch, đá... thành những đống lớn, để khi tàu cát tặc tiến sát bờ sẽ ném để xua đuổi. Thế nhưng, cũng chẳng ăn thua gì, ngược lại những tay đầu nậu “cát tặc” còn chỉ mặt, điểm tên những người dân tham gia ngăn chặn chúng bằng biện pháp dằn mặt, đe dọa.

Tiếp đến, tuyến sông Lạch Trường vài năm trở lại đây cũng có tới hàng hàng trăm hecta hoa màu của người dân các xã Hoằng Đức, Hoằng Xuyên, Hoằng Cát, thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa), Hoằng Lý (TP Thanh Hóa) nằm gọn dưới lòng sông bởi hoạt động khai thác cát trái phép. Thời điểm cuối năm 2016, những lá đơn kêu cứu của người dân các địa phương này liên tục được gửi đến các cơ quan chức năng, trong đó có báo chí.

Từ vụ 11 tàu “cát tặc” oanh tạc sông Mã (Thanh Hóa): Đừng để hoạt động bảo kê tồn tại trong cuộc chiến chống tội phạm môi trường? - Hình 2

Lợi dụng dự án nạo vét sông Lạch Trường cát tặc oanh tạc gây sạt lở nghiêm trọng tại nhiều xã trên địa bàn huyện Hoằng Hóa

Khi về tìm hiểu chúng tôi được biết, lợi dụng Dự án nạo vét sông Lạch Trường mà các tàu “cát tặc” trà trộn vào nên thật giả lẫn lộn. Các tàu “cát tặc” cứ mặc sức oanh tạc dòng sông và hoa màu của người dân. Ngay cả chính quyền cơ sở cũng nhập nhèm không phân biệt đâu tàu của dự án được phép nạo vét, đâu là tàu “cát tặc”?

Bởi theo lãnh đạo các địa phương này cho biết, thì khi dự án bắt đầu thực hiện thì Ban quản lý dự án còn thông báo số hiệu tàu, thời gian và vị trí thực hiện, tuy nhiên 2 năm sau đó không hề thông báo.

Đỉnh điểm của vấn đề liên quan đến “cát tặc” tại tỉnh Thanh Hóa là thời điểm tháng 4/2018, khi chứng kiến đất canh tác, hoa màu và cả mồ mả tổ tiên cuốn theo “hà bá” vì hoạt động khai thác cát trái phép. Hàng trăm hộ dân xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa đã kéo nhau lên trụ sở xã để yêu cầu chính quyền tổ chức đối thoại.

Từ vụ 11 tàu “cát tặc” oanh tạc sông Mã (Thanh Hóa): Đừng để hoạt động bảo kê tồn tại trong cuộc chiến chống tội phạm môi trường? - Hình 3

Bức xúc trước vấn nạn "cát tặc" người dân xã Thiệu Đô tụ tập trụ sở xã yêu cầu đối thoại với chính quyền

Chỉ cách đây chỉ 2 tháng báo chí tiếp tục phản ánh về vấn nạn này tại khu vực sông Chu qua xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa. Địa phương cách đây 8 năm đã có tới 3 người thiệt mạng trong cuộc chiến chống lại “cát tặc”.

Điểm qua những sự việc trên để nhận thấy tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa diễn ra rất phức tạp từ nhiều năm nay, gây bức xúc cho bộ phận lớn người dân địa phương chịu hệ lụy từ tội phạm môi trường.

Cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của cảnh sát môi trường

Tiếp xúc, chứng kiến hoàn cảnh của những hộ dân bị mất đất sản xuất mới thấu hiểu hết nỗi vất vả khi nắng mưa phải bám ruộng đồng để tận tay chăm bón từng thửa ngô, ruộng khoai, rồi miệt mài cải tạo đất đai sau mỗi vụ thu hoạch. Nhưng chỉ sau một đêm có hộ mất nguyên cả mấy sào ruộng do sạt, lở xuống dòng sông khi bị những chiếc “vòi bạch tuộc” cứ đua nhau “rỉa máu”.

Đất đai, ruộng đồng là nguồn sống, là tư liệu sản xuất đối với người nông dân. Mất đất sẽ dồn họ tới khó khăn chồng chất, đành phải kêu cứu qua những lá đơn, kiến nghị trong những lần tiếp xúc cư tri.

Nhưng những năm qua những gì người dân các địa phương này mong chờ, dường như vẫn chưa được giải quyết hiệu quả? Cứ định kỳ bắt đầu từ cuối tháng 9 năm nay tới tháng 4, tháng 5 năm tiếp theo hoạt động “cát tặc” lại rầm rộ. Nỗi ám ảnh, uy hiếp đời sống của người dân ven sông lại bắt đầu...!

Từ vụ 11 tàu “cát tặc” oanh tạc sông Mã (Thanh Hóa): Đừng để hoạt động bảo kê tồn tại trong cuộc chiến chống tội phạm môi trường? - Hình 4

Tàu khai thác cát trái phép ngang nhiên hoạt động giữa ban ngày tại khu vực xã Định Tân thời điểm 11/2018

“Do địa phương không có phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ hay các tàu cát tặc ranh mảnh thường khai thác ở các vị trí giáp gianh giữa các địa phương để tiện di chuyển, lẩn trốn rất khó cho việc bắt giữ vì sang địa phương khác không thuộc quyền quản lý. Muốn phối hợp phải cần đề xuất, lên phương án” đây là những lời giải thích của nhiều lãnh đạo cấp cơ sở, khi nhắc đến việc đấu tranh chống lại vấn nạn cát tặc.

Hiện nay các tàu khai thác cát trái phép đa phần có công suất lớn, trang bị nhiều thiết bị hiện đại, có hệ thống giảm âm cực kỳ tinh vi với chi phí các tàu này từ vài trăm triệu đến vài tỷ bạc. Trong khi, chính quyền các xã nguồn ngân sách có hạn nên việc sắm sửa trang thiết bị truy bắt “cát tặc” là không thể. Chức năng, quyền hạn của cấp cơ sở rất hạn chế để áp dụng hiệu quả trong cuộc chiến trên.

Giữa tháng 11/2018 vừa qua, chúng tôi chứng kiến hình ảnh ông Trịnh Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Định Tân, huyện Yên Định đứng trên triền đê với ánh mắt nặng trĩu, bất lực nhìn xuống lòng sông Mã, nơi có 2 tàu đang bình thản hút cát trái phép ngập tràn sà lan, vì xã không có phương tiện (ca nô, thuyền máy) và công cụ hỗ trợ. Ông Toàn khi đó chỉ biết gọi lãnh đạo và công an huyện để tăng cường lực lượng xuống hỗ trợ. Khi lực lượng chức năng xuống tới nơi, thì các thuyền đó đã hút xong và di chuyển đi nơi khác.

Từ vụ 11 tàu “cát tặc” oanh tạc sông Mã (Thanh Hóa): Đừng để hoạt động bảo kê tồn tại trong cuộc chiến chống tội phạm môi trường? - Hình 5

Cần siết chặt quản lý tránh để tồn tại hoạt động bảo kê trong cuộc chiến chống "cát tặc"

Mang lại hiệu quả trong cuộc chiến này là lực lượng công an và phải làm mạnh trong thời gian tới như nhận định của ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 diễn ra vào chiều ngày 9/1.

Ngoài những thành tựu đã đạt được năm 2018 thì Thanh Hóa vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Trong đó, có công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, mà cụ thể là hoạt động khai thác cát trái phép.

Quay lại sự kiện rạng sáng 5/1, qua công tác tuần tra, Phòng Cảnh sát Đường thủy Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện bắt quả tang 11 tàu đang khai thác cát trái phép trên sông Mã, đoạn qua địa bàn xã Định Công, huyện Yên Định. Đây là thành tích đáng ghi nhận, nhưng suy nghĩ sâu sắc hơn dư luận cũng nhận thấy nhiều bất cập và nghi vấn xung quanh vấn đề trên.

Cụ thể, đây là qua công tác tuần tra thì phát hiện được hoạt động của 11 tàu trên, chứ không phải chủ động điều tra, nắm bắt hoạt động của các tàu “cát tặc”? Trong khi, hoạt động khai thác cát trái phép đã diễn ra tại khu vực này diễn ra rầm rộ thời gian qua. Tiếp đến, chỉ một đoạn sông có tới 11 tàu tập trung khai thác cát trái phép, sự ngang nhiên, táo bạo đến “lạ kỳ”?

Câu hỏi đặt ra, lực lượng cảnh sát môi trường đang ở đâu?, vì sao lực lượng này không nắm bắt và phát hiện được? Đáng nói đây là lực lượng chính trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm môi trường. Cơ quan quản lý địa phương cũng không hề hay biết về sự kiện “đại công trường” trên sông? Dư luận có thể hoài nghi có hiện tượng một số cán bộ, cá nhân “bảo kê” cho hoạt động khai thác tài nguyên trái phép?

Xin nhắc lại việc người dân xã Thiệu Đô tập trung tại trụ sở xã, vì sự lộng hành của “cát tặc”, thì thời điểm đó UBND huyện Thiệu Hóa đã phải tạm đình chỉ công tác đối với Phó chủ tịch UBND xã này, liên quan đến việc người dân phản ánh có sự “bảo kê” cho “cát tặc”.

Chính vì vậy, năm 2019 cần sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo công an tỉnh Thanh Hóa trong việc quản lý, siết chặt cán bộ không để tồn tại hoạt động “bảo kê” trong công tác quản lý, đấu tranh chống tội phạm môi trường, mang lại niềm tin cho nhân dân.

Trọng Đào